Đi tìm điệu nhảy riêng của người Việt

ANTD.VN - Lần thứ hai tổ chức, cuộc thi “Tìm kiếm điệu nhảy Việt Nam, hòa nhập cộng đồng Việt Nam và quốc tế” do Hội Nghệ sỹ Múa Hà Nội tổ chức, vẫn chưa thể tìm ra một điệu nhảy đại diện cho Việt Nam. 

Tìm kiếm một điệu nhảy hiện đại của riêng người Việt bên cạnh các điệu nhảy nổi tiếng vẫn còn gian nan

Tham vọng tìm kiếm một điệu nhảy hiện đại của riêng người Việt, đứng bên cạnh các điệu nhảy nổi tiếng thế giới như Cha cha cha, Jumba, Salsa… vẫn gian nan khi chính người trong nghề cũng đang loay hoay giữa múa và nhảy.

“Chín người mười ý”

 Việt Nam có 60 dân tộc anh em nên để “chỉ mặt đặt tên” một điệu múa dân gian đại diện cho người Việt đã khó,  việc tìm kiếm một điệu nhảy hiện đại của riêng người Việt lại càng khó hơn. Nói như vậy là bởi, một điệu nhảy hiện đại cần ít động tác, đơn giản và dễ thực hành nhưng lại cần tìm ra một dáng nhảy đẹp, nhìn cái là nhận ra ngay Việt Nam. Nhưng có lẽ, chính cái sự đơn giản và tinh gọn ấy, mang đặc trưng riêng cho người Việt ấy, thực sự là thử thách dành cho người sáng tác.

Theo ý kiến của các nghệ sỹ có thâm niên trong nghề, để có được điệu nhảy đáp ứng đủ tiêu chí này thì hơi hướng dân tộc từ các điệu múa dân gian và âm nhạc dân tộc đóng vai trò nòng cốt. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, nếu chọn lọc từ âm hưởng âm nhạc Tây Nguyên hay tiết tấu của mõ cũng sẽ tạo ra nhiều dáng đứng hay, ai cũng có thể nhập cuộc. 

Tuy vậy, với các nghệ sỹ trẻ, cái khó để tìm ra một điệu nhảy hiện đại cho Việt Nam lại xuất phát từ yếu tố âm nhạc. Dưới góc nhìn của một nghệ sĩ trẻ, nghệ sỹ Nguyễn Đức Long, Chủ nhiệm CLB Salsa Mouse Nhà Tròn cho rằng: “Bước nhảy quan trọng hơn tất thảy và với các nghệ sỹ trẻ, việc kết hợp các yếu tố mới, hiện đại từ các bước nhảy trên thế giới để tìm ra một điệu nhảy riêng Việt Nam không quá khó. Điều tôi trăn trở là tìm kiếm chất liệu âm nhạc phù hợp với điệu nhảy này. Âm nhạc cần chuẩn, người già hay người trẻ nghe đều thích, rộn rã, tập trung vào bước đi”.

Đồng tình với quan điểm này, một nghệ sỹ trẻ khác cũng cho biết, điệu nhảy quan trọng là tìm kiếm bước nhảy, không phải múa. Nếu quá nhiều động tác múa kèm theo sẽ khiến cho số đông không thể theo nổi. Hơn nữa, nói về nhảy thì các biên đạo cần sáng tạo sao cho chỉ cần nghe nhạc thôi, người ta đã không thể ngồi yên mà phải đứng dậy để bắt đầu nhún nhảy.  

Khơi dậy ý thức sáng tạo

Khi “chín người mười ý” về kết hợp giữa múa và nhảy hay tìm kiếm một điệu nhảy riêng, thì việc tạo ra một điệu nhảy hiện đại của Việt Nam thật quá khó khăn. Ngay với hai điệu múa đã nhận giải tại cuộc thi lần thứ nhất cũng nhận được nhiều ý kiến khen chê khác nhau bởi các điệu nhảy này, dù đã có bóng dáng của yếu tố dân tộc như sử dụng điệu múa “Con đĩ đánh bồng” của làng Triều Khúc nhưng thiên về múa nhiều hơn trong khi các bước nhảy, âm nhạc lại chưa thực sự rõ nét.

Các nghệ sỹ chuyên nghiệp tham gia trình diễn hai điệu nhảy này cũng bày tỏ, để biểu diễn đúng nhạc, tiết tấu, vũ công buộc phải thuộc các động tác, mà khi đã thuộc để nhảy thì lại khó đẹp, khó để trở thành một điệu nhảy dành cho số đông. 

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng nói như vậy, không có nghĩa, khả năng sáng tạo nên một điệu nhảy dành cho người Việt là không thể thực hiện được. Theo nghệ sỹ Nguyễn Như Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sỹ Múa Hà Nội: “Cuộc thi tìm kiếm điệu nhảy Việt Nam” là hoạt động để khơi dậy ý thức sáng tạo, thực hành một điệu nhảy hiện đại của dân tộc Việt. Có thể, 100 năm nữa, chúng ta mới thực sự tìm thấy nhưng hãy cứ hành động trước khi bàn lùi”. 

Quả thật, sau cuộc thi lần thứ nhất diễn ra, đến kỳ thứ hai, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là khâu quảng bá và thực hành tác phẩm. Đáng ghi nhận nhất là cuộc thi lần này đã có sự góp mặt nhiều hơn các gương mặt trẻ tài năng và nhiệt huyết. Hy vọng với sự đổi mới này, các nghệ sỹ sẽ được tiếp thêm cảm hứng và động lực sáng tác để một điệu nhảy hiện đại đặc trưng cho Việt Nam sẽ thành hiện thực trong nay mai.