Đi tìm chuẩn mực cho linh vật Việt

ANTĐ - Trong bối cảnh ngành văn hóa từng có một cuộc ra quân loại bỏ sự xâm lấn của các linh vật ngoại lai thì việc lần đầu tiên có cuộc trưng bày tương đối đầy đủ về các linh vật chuẩn Việt Nam là một sự kiện đáng chú ý.

Đi tìm chuẩn mực cho linh vật Việt ảnh 1Nghê chầu bằng gỗ sơn thếp (thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17-18)


Chiêm ngưỡng những linh vật thuần Việt

Nhắc đến linh vật là nhắc đến những con vật có thật hay được linh hóa bằng óc sáng tạo của người Việt. Linh vật Việt Nam được coi là những biểu tượng văn hóa quen thuộc trong thần thoại, truyền thuyết và trong nghệ thuật tạo hình xưa. Chuyên đề trưng bày “Linh vật Việt Nam” của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam vừa khai mạc tại số 1 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội chính là một bức tranh tương đối đầy đủ, tổng quát về những con vật huyền thoại gắn liền với đời sống người Việt, trải suốt từ thời dựng nước Văn Lang - Âu Lạc cho đến triều Nguyễn.

27 loại hình linh vật gồm nghê, sư tử, long, lân, quy, phượng... cho tới những biểu tượng quen thuộc trong văn hóa Á đông nhưng ít được biết đến trong văn hóa người Việt như chim thần Garuda, si vẫn, bồ lao, thao thiết, tiêu đồ, tích tà… 

Đi tìm chuẩn mực cho linh vật Việt ảnh 2

Bồ Lao trên quai chuông chùa Thanh Long, Thái Bình (đồng, thời Lê Trung Hưng 1772)

Ông Nguyễn Quốc Hữu, Phó trưởng Phòng trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, bảo tàng đã mất nhiều năm sưu tập các linh vật, hiện vật, trong đó không ít hiện vật được phát hiện từ các cuộc khai quật khảo cổ. “Ở từng giai đoạn, từng thời kỳ, tạo hình linh vật có những nét thể hiện khác nhau. Thời Mạc - Lê Trung Hưng, Nghê có thể được đắp thêm sừng, vẩy lân hay sư tử kết hợp đầu sư tử và thân chó”- ông Nguyễn Quốc Hữu cho biết thêm.

Cũng theo ông Hữu, có những linh vật xuất hiện rất nhiều và quen thuộc trong đời sống dân cư như bộ tứ linh - long, lân, quy, phượng, nhưng cũng có những linh vật chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, chẳng hạn như ngựa có cánh (hay còn gọi là Pegasus) có xuất xứ từ thần thoại Hy Lạp, du nhập vào Việt Nam trong thế kỷ 15.

Đi tìm chuẩn mực cho linh vật Việt ảnh 3

Tượng rồng bằng vàng trên ấn “Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo” (Thời Nguyễn, niên hiệu Thiệu Trị 1847)

Bên cạnh đó, mỗi linh vật lại gửi gắm ý nghĩa, ước vọng của người dân như rùa biểu trưng cho sự bền vững, trường tồn; rồng giữ vai trò là một phúc thần mang đến mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; rắn biểu tượng của phồn thực, cội nguồn sự sống…  Hay nếu để ý phần quai chuông chùa ở Việt Nam thường tạc hình rồng 2 đầu. Thực chất đây là con bồ lao, một loại thú sống dưới biển, thích âm thanh lớn nhưng sợ con cá kình. Bởi vậy, khi đúc chuông người Việt thường tạo quai chuông hình bồ lao, còn dùi hình cá kình với mong muốn tiếng chuông vang xa. 

Linh vật - khát vọng tâm linh của dân tộc

Cách đây không lâu, ngành văn hóa từng có một chiến dịch ráo riết để bài trừ, loại bỏ hiện vật, linh vật ngoại lai ra khỏi di tích cũng như cơ sở tín ngưỡng. Chúng ta đã đưa một lượng lớn những sư tử đá, hiện vật ngoại lai ra khỏi các di tích. Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc cũng như thiết lập một cơ sở, nền tảng hay chuẩn mực về linh vật Việt cho đến nay vẫn chưa có.

Ông Nguyễn Quốc Hữu chia sẻ, rất khó có thể nhận định chung về bản sắc Việt trong nhiều loại hình linh vật, thế nhưng điều dễ dàng thấy được ở những hiện vật này chính là việc đề cao sự tinh tế, ngẫu hứng, không tuân theo nguyên tắc, quy luật nhưng lại thể hiện rõ nét tính cách, sự hồn hậu của người Việt. Trong khi đó, người Trung Quốc lại chế tác dựa theo quy trình, mẫu mã chặt chẽ, đôi khi chính vì yếu tố này làm mất đi ít nhiều tính mềm mại, độc bản của mỗi hiện vật. 

Việc ra mắt trưng bày “Linh vật Việt Nam” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, dù chưa đầy đủ, nhưng được xem như cuộc trưng bày đầu tiên về hiện vật Việt Nam trong nước nhằm hệ thống, tư liệu hóa các linh vật Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc.

Trước đây đã từng có một vài triển lãm đưa hình tượng nghê, sư tử vào trong hệ thống trưng bày, tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, các trưng bày đó vẫn chưa thể hiện được yếu tố tổng quan về các linh vật đậm chất Việt. “Khi cả xã hội đều có ý kiến phản hồi về việc sử dụng, cung tiến, trưng bày linh vật cùng các cách ứng xử khác nhau đối với hiện vật bản địa và hiện vật ngoại lai, thì triển lãm này chính là cái nhìn tổng quát về sự hình thành và phát triển của các loại hình linh vật Việt Nam. Từ đó mong muốn qua các linh vật này thể hiện khả năng sáng tạo, tư duy thẩm mỹ và khát vọng tâm linh của cha ông ta từng giai đoạn của lịch sử dân tộc” - ông Nguyễn Văn Cường khẳng định.                             

Tin cùng chuyên mục