Di tích nhà cụ Nguyễn Thị An, nơi Bác Hồ từng ở và làm việc đón Bằng Di tích quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tối 23/8, Quận ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam quận Tây Hồ (Hà Nội) đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An (23-25/8/1945).

Đến dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội, lãnh đạo Quận ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam quận Tây Hồ, lãnh đạo phường Phú Thượng, quận Tây Hồ cùng đông đảo nhân dân địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội gửi lẵng hoa chúc mừng.

Lãnh đạo địa phương và đại diện gia đình cụ Nguyễn Thị An đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia tối 23/8.

Lãnh đạo địa phương và đại diện gia đình cụ Nguyễn Thị An đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia tối 23/8.

Di tích nhà cụ Nguyễn Thị An là nơi dừng chân nghỉ lại đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chặng đường từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội từ ngày 23 đến 25/8/1945, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công để ra mắt quốc dân đồng bào, đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945.

Tại ngôi nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc với các đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh… về kết quả Tổng khởi nghĩa trong cả nước và chuẩn bị cho bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau lần đó, gia đình và địa phương còn vinh dự được đón Bác Hồ về thăm vào năm 1946.

Các đại biểu và đại diện gia đình cụ Nguyễn Thị An, nhân dân địa phương chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ

Các đại biểu và đại diện gia đình cụ Nguyễn Thị An, nhân dân địa phương chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ

Hiện tại, ngôi nhà của gia đình cụ An vẫn được bảo tồn nguyên vẹn với các di vật, hiện vật cùng nhiều tài liệu, hình ảnh liên quan sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu lại tại đây.

Trải qua 77 năm, di tích có giá trị về lịch sử cách mạng này đã trở thành địa chỉ đỏ, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến nhấn mạnh, việc đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đối với nhà cụ Nguyễn Thị An sẽ là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa lịch sử của các di tích cách mạng, đưa những di tích này thực sự trở thành di sản văn hoá tiêu biểu được mọi người dân, nhất là các bạn trẻ chủ động tìm đến để tham quan, học tập, nghiên cứu lịch sử quê hương, đất nước.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An (23-25/8/1945) cho địa phương và đại diện gia đình cụ Nguyễn Thị An.

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật "Phú Thượng in dấu chân Người"

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật "Phú Thượng in dấu chân Người"

Thay mặt gia đình cụ Nguyễn Thị An và dòng họ phát biểu tại buổi lễ, ông Công Ngọc Dũng bày tỏ niềm tự hào khi gia đình vinh dự được đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu cấp cao của Trung ương tại chính ngôi nhà của gia đình trong thời khắc lịch sử trọng đại của đất nước. Ông Công Ngọc Dũng trân trọng cảm ơn các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng toàn thể bà con nhân dân phường Phú Thượng đã luôn quan tâm, tạo điều kiện, cùng với gia đình bảo tồn, gìn giữ ngôi nhà, qua đó góp phần lan tỏa truyền thống yêu nước, niềm tự hào tới các tầng lớp nhân dân.

Cùng với lễ đón nhận, tại sân khấu ngoài trời UBND Phường Phú Thượng đã diễn ra chương trình nghệ thuật mang tính chất sử thi “Phú Thượng in dấu chân Người”.

Chương trình do NSƯT Trường Bắc làm Tổng đạo diễn, Thạc sĩ Lê Thế Song – Như Khôi viết kịch bản, NSND Lệ Ngọc Chủ nhiệm chương trình, NSND Triệu Trung Kiên viết kịch bản tiểu phẩm sân khấu, NSƯT Trần Quang Khải đại diễn tiểu phẩm sân khấu… Tham gia biểu diễn có gần 200 nghệ sĩ, diễn viên đến từ Học viện âm nhạc Quốc Gia Việt Nam, Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Cải Lương Việt Nam và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.