Di tích gò Đống Thây sắp biến mất

ANTĐ - Dù được xếp hạng di tích lịch sử cần được bảo tồn từ năm 1990 nhưng đến thời điểm hiện tại, di tích gò Đống Thây (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngày càng thu hẹp do bị chiếm dụng làm nơi ở, nơi buôn bán vật liệu xây dựng… 

Miếu thờ trong khu di tích

Trên con đường dẫn vào khu di tích, vất vả lắm chúng tôi mới tìm được tấm biển ghi dòng chữ “Gò Đống Thây – di tích lịch sử đã được xếp hạng, cấm xâm phạm” do tấm biển này đã bị che khuất bởi một số quán nước. Đi sâu vào bên trong, chúng tôi không thể nhận ra đây là khu di tích đã được xếp hạng do hàng chục nhà tạm của người dân được dựng lên trong khu vực này. Hệ thống tường bao của khu di tích cũng  bị đổ, vỡ gần hết. Cạnh lối vào khu vực am thờ là một bãi rác, bàn ghế cũ, phế thải xây dựng đổ ngổn ngang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ông N.Đ.T - người dân sinh sống tại đây gần 40 năm cho biết, ban đầu có một vài hộ dân đến dựng nhà trên đất di tích, rồi con số đó ngày càng tăng lên đến hàng chục. Không chỉ biến đất di tích thành nơi ở, nơi bán hàng, một số người còn chiếm dụng những khu đất trống làm nơi kinh doanh vật liệu xây dựng. Cát, đá, sỏi, gạch được tập kết về đây ngày càng nhiều, xe chở vật liệu đi lại ầm ầm bụi mù, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan di tích. Một số đối tượng lợi dụng lúc vắng người đến đây đổ trộm phế thải, quây hàng rào dựng lều lán hay phóng uế bừa bãi. Cứ tình hình này, chẳng mấy chốc hàng nghìn m2 đất di tích sẽ biến thành của riêng hết. “Tôi đã chứng kiến một số khách du lịch đến thăm và tìm hiểu di tích này nhưng chỉ được vài phút họ phải lắc đầu quay ra do không chịu được mùi xú uế bốc lên từ những đống rác vương vãi khắp nơi” - ông T thở dài.

Tấm biển “di tích đã được xếp hạng” nằm lọt thỏm trong quán nước 

Theo số liệu thống kê của chính quyền địa phương, khu di tích gò Đống Thây có diện tích 26.200m2. Nhưng đến nay, cả di tích dường như chỉ còn lại khu đất nhỏ là nơi đặt am thờ. Quanh đó là vô số những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ bao vây kín mít. Từ năm 1997, UBND thành phố Hà Nội đã giao di tích này cho Ban quản lý danh thắng – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nhưng công tác bảo vệ, tu tạo di tích không được thực hiện khiến công trình ngày càng xuống cấp. Mặc dù, người dân sống xung quanh di tích đã nhiều lần phản ánh hiện tượng lấn chiếm đất tới các cơ quan chức năng song vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để.

Trước tình trạng trên, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản giao UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư dự án khôi phục mốc giới, xây dựng hàng rào bao quanh và quy hoạch lại di tích. Hiện dự án này vẫn chưa được triển khai thực hiện. Theo ông Nguyễn Văn Đông – Cán bộ quản lý đô thị, UBND phường Thanh Xuân Trung, di tích gồm 1 gò chính và 6 gò nhỏ. Trước khi thành lập quận Thanh Xuân, cơ quan chức năng đã thống kê có 46 hộ dân sống trên đất của di tích gò Đống Thây.  Đến năm 2013, con số này đã tăng lên 186 hộ. Hiện diện tích của di tích còn lại khoảng 15.000m2, trong đó có hơn 1.000m2  bị chiếm dụng làm nhà ở. Là đơn vị quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, UBND phường Thanh Xuân Trung đã nhiều lần thực hiện chỉ đạo của UBND quận tiến hành giải tỏa các hộ lấn chiếm đất di tích, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, vi phạm đã tái diễn. 

Di tích thành nơi tập kết rác thải

Gần đây nhất, ngày 11-6, lực lượng chức năng đã tổ chức cưỡng chế tháo dỡ hàng rào, mái tôn do 14 cá nhân rào lấn chiếm trên diện tích đất 400m2 của di tích. Tuy vậy, khó khăn chủ yếu trong công tác quản lý di tích này là sự phân cấp quản lý còn nhiều bất cập, mốc giới của di tích chưa được khôi phục đầy đủ và rõ ràng, thậm chí có mốc còn nằm trong nhà dân, một số hộ dân lấn chiếm đất đã sinh sống tại khu vực trong một thời gian dài nên việc xử lý rất khó khăn, phức tạp. Ngoài ra, việc giải tỏa, cưỡng chế lấn chiếm vẫn được tiến hành thường xuyên, nhưng việc ngăn chặn tái lấn chiếm là điều không đơn giản do lực lượng của phường rất mỏng. Bên cạnh đó, ý thức của một số người dân trong việc bảo vệ di tích còn kém, luôn tranh thủ buổi tối, các ngày nghỉ để xây dựng trái phép.

Theo những người dân sống tại khu vực, việc chiếm dụng đất công ở di tích gò Đống Thây đã quá rõ ràng. Nếu các cấp chính quyền không có biện pháp mạnh ngay từ bây giờ thì chẳng mấy chốc, di tích lịch sử này sẽ hoàn toàn biến mất.