Đi săn “vòi bạch tuộc” dưới lòng sông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vài năm trở lại đây, nguồn vật liệu xây dựng (VLXD) chủ yếu là cát khan hiếm, giá thành đắt đỏ khiến cho tình trạng khai thác cát trái phép trở nên càng nóng bỏng hơn bao giờ hết.

Dọc các con sông chảy qua địa bàn Hà Nội như: sông Hồng, sông Đuống hay sông Đà.., đội quân “cát tặc” luôn rình rập cơ hội ra tay khiến cho lực lượng chức năng lúc nào cũng phải căng mình quản chặt các dòng sông. Trong vai dân đánh cá hay nhân viên trên các con tàu chở hàng thuê dọc các tuyến sông này, phóng viên ANTĐ đã ghi lại những chuyện nhặt trong những lần săn “cát tặc”.

Khi cát đắt như… vàng!

Thiếu tá Nguyễn Xuân Tùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường CATP Hà Nội cho biết, theo thống kê, từ cuối năm 2013 đến hết 2016, có 90 dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố.

Mặc dù có giấy phép khai thác nhưng các tổ chức, cá nhân đều có các vi phạm chủ yếu như: không thực hiện đầy đủ thủ tục về đánh giá tác động môi trường; không ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; không thực hiện đầy đủ phương án đảm bảo an toàn giao thông; khai thác vượt quá khối lượng và số lượng phương tiện cho phép; không xuất hóa đơn, chứng từ đúng theo quy định...

“Đặc biệt, tại các khu vực giáp ranh chưa xác định được địa giới hành chính trên sông hoặc xác định chưa rõ ràng, các công ty được cấp phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh này lại đứng ra tổ chức cho phương tiện khai thác cát trái phép trên sông thuộc địa phận khác. Các đơn vị thi công nạo vét luồng lạch lợi dụng giấy phép để khai thác cát ngoài khu vực, vi phạm độ sâu, không thực hiện đúng đề án...”, Thiếu tá Nguyễn Xuân Tùng cho biết.

Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Xuân Tùng, tại Hà Nội, cùng thời điểm trên có 12 công ty, doanh nghiệp được cấp phép khai thác bãi nổi và 13 công ty, doanh nghiệp được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chấp thuận thực hiện dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3-2017, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT chấm dứt tình trạng cấp giấy phép cho các đơn vị doanh nghiệp thực hiện dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm. Chính vì thế, “cát tặc” bị siết chặt nên không còn ngang nhiên hoạt động như xưa.

Sau một thời gian, khi nguồn cung không đủ cầu, đặc biệt là lợi nhuận từ việc khai thác cát quá lớn, nên dù bị kiểm tra, xử lý gắt gao, “cát tặc” luôn tìm mọi thủ đoạn để đối phó, tiếp diễn vi phạm. Thậm chí có tình trạng doanh nghiệp khi được thực hiện dự án đã bắt tay với các “đối tác” khác, thu tiền rồi mặc kệ “đối tác” hút và bán cát.

Trong vai những người dân đánh cá hay nhân viên trên các con tàu chở hàng thuê dọc các tuyến sông chảy qua địa bàn Hà Nội vào những cung giờ khác nhau, đặc biệt là vào những đêm mưa gió hay ngày lễ, chủ nhật, phóng viên đã “mục sở thị” những đội quân “cát tặc” hoành hành rút ruột lòng sông khi bóng dáng lực lượng chức năng vừa khuất xa tầm kiểm soát.

Đi săn “cát tặc”

Để hoạt động khai thác cát trái phép trên sông tránh bị phát hiện, các đối tượng ngoài việc lách luật còn sử dụng các tàu hút cát có công suất lớn hay cử hẳn những đối tượng “chim mồi” gác tại các điểm được cho là dễ quan sát, dễ phát hiện lực lượng chức năng nhất để kịp thời ra tín hiệu cho “cát tặc” kịp thời dừng tay, di chuyển đến vị trí an toàn trước khi bị lực lượng chức năng ập đến kiểm tra. Những “chim mồi” này không chỉ ở trên bờ mà ngay cả dưới các đoạn sông cũng được bố trí rất bài bản.

Trước những mánh khóe trên, để trở thành khắc tinh của “cát tặc”, những lần theo chân các trinh sát Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường CATP Hà Nội săn “cát tặc” mới thấy hết được nỗi niềm vất vả cũng như sự tỉ mỉ trong từng kế hoạch được xây dựng. Nhiều tình huống thể hiện sự linh hoạt, mưu trí của các CBCS khi đối diện với cát tặc phải đưa ra tình huống xử lý cực kỳ nhanh nhạy và quyết đoán.

Điển hình đêm 2-4-2019, khi phóng viên nhận được cuộc điện thoại từ một trinh sát Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội với thông tin vẻn vẹn: “Có việc hay đấy!”, tôi nhanh chóng thoát khỏi cơn ngái ngủ, vội vàng mang theo thiết bị tác nghiệp lên đường. Gần 30 phút sau, tôi đã có mặt tại địa bàn xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm.

Bám theo tổ công tác Đội 3 của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường CATP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế, CAH Gia Lâm và Đội Tuần tra kiểm soát đường thủy số 3, Phòng CSGT CATP Hà Nội kiểm tra, bắt giữ chiếc tàu hút mang số hiệu: BN-0475, do đối tượng Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1989, ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) điều khiển đang có hành vi khai thác cát trái phép.

Có những vụ việc vây bắt cát tặc không mấy khó khăn nhưng đa số, với “cát tặc” khi bị lực lượng chức năng vây bắt liền “phản đòn”, bày mưu tính kế, chống đối khiến cho việc khống chế đối tượng cũng như thực hiện các hoạt động trấn áp gặp không ít khó khăn.

Vụ việc xảy ra tối 15-9-2020, khi tổ công tác của Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường thủy số 1 (Phòng CSGT CATP Hà Nội) trong quá trình làm nhiệm vụ tuần tra trên tuyến sông Hồng (đoạn đi qua địa bàn phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phát hiện một tàu vỏ sắt đang có hành vi khai thác cát trái phép.

Tại thời điểm kiểm tra, ngoài lái tàu là Trần Văn Thành (SN 1984) còn có 3 người cùng trú tại thôn Trấn Hải, xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Các đối tượng trên không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của khoảng 200m3 cát đen trong khoang tàu; không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan có thẩm quyền cấp; không xuất trình được giấy tờ phương tiện và giấy chứng nhận khả năng chuyên môn.

Dù bị bắt quả tang, vi phạm nhiều lỗi nhưng những đối tượng không chịu ký vào biên bản vi phạm, thậm chí có thái độ chống đối. Khi bị lực lượng chức năng yêu cầu đưa phương tiện về khu vực neo đậu để xử lý thì các đối tượng đánh ban máy, gây khó khăn cho việc thực thi pháp luật.

Những chiếc tàu được các đối tượng vận hành khai thác cát trái phép trên sông Hồng, bị lực lượng trinh sát Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường CATP Hà Nội phát hiện, bắt quả tang

Những chiếc tàu được các đối tượng vận hành khai thác cát trái phép trên sông Hồng, bị lực lượng trinh sát Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường CATP Hà Nội phát hiện, bắt quả tang

Bình yên sau màn đêm

Có lẽ, với nhu cầu quá lớn về nguồn VLXD là cát nên cuộc chiến về “cát tặc” sẽ không bao giờ ngừng. Những người “gác sông” chưa bao giờ ngơi nghỉ và những chiến công thầm lặng của họ ít ai hiểu hết. Khi màn đêm buông xuống, đến khi mỗi sớm bình minh họ trở về đơn vị, trở về với gia đình an toàn mới dám thở phào nhẹ nhõm. Với những phóng viên theo dõi mảng môi trường, sau mỗi hành trình đi săn “cát tặc” cũng không kém phần nguy hiểm.

Câu chuyện thứ nhất, vào trung tuần tháng 4-2016, khi đường dây nóng An ninh Thủ đô nhận được phản ánh của bạn đọc về hiện tượng trên sông Hồng khu vực thị xã Sơn Tây, huyện Phúc Thọ hay Ba Vì (Hà Nội) giáp ranh địa bàn một số tỉnh lân cận, hình thành chuỗi liên hoàn khai thác cát trái phép.

Được Ban Biên tập phân công trực tiếp, tôi đã cùng một phóng viên khác đã nhanh chóng triển khai kế hoạch lên đường đi săn “cát tặc”. Thời điểm ấy, trên nhiều tuyến sông ở Hà Nội rộ lên “chiêu trò” của các doanh nghiệp núp bóng dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm để khai thác cát trái phép.

Hành trình đi săn “cát tặc” của nhóm phóng viên chúng tôi xuất phát từ ngã ba sông (sông Hồng và sông Đuống) đoạn thuộc địa bàn phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội bằng một con thuyền đánh cá dài gần 5m, ngang hơn 1m. Để đảm bảo theo quy định cũng như an toàn cho bản thân, chúng tôi mỗi người đều khoác sẵn 1 áo phao thế nhưng khi đến gần vị trí khu tàu cát hoạt động trái phép, bác chủ thuyền nhất mực không cho mặc.

“Mặc áo phao kè kè là người ta biết ngay không phải dân thuyền chài. Nếu lộ, tôi không đảm bảo sự an toàn cho mọi người đâu”, bác chở thuyền nói và chúng tôi không thể làm trái. Cảm giác lo lắng gia tăng mỗi khi áp sát khu vực các tàu cuốc hút cát, bởi chiếc thuyền cá như muốn lật nghiêng. Hai bàn chân như dính xuống sàn thuyền, người như rạp hẳn xuống, một tay bám chặt mạn nhưng tay kia vẫn... cố lén chĩa máy quay được giấu trong một chiếc găng tay chống nắng.

Đến đêm thứ ba, dù đã thay đổi thuyền nhưng chúng tôi có dấu hiệu bị lộ. Suốt từ địa phận Phúc Thọ lên đến Ba Vì, luôn có 2 xuồng máy của “người lạ” theo sát, qua khỏi khu tập kết tàu cuốc mới “buông”.

Câu chuyện thứ hai, giờ đây mỗi lẫn qua các tuyến sông, nghe tiếng tàu thuyền hay nhìn những ngư phủ hành nghề trên sông đều làm tôi nhớ lại. Vào giữa tháng 8-2020, khi nắm thông tin có nhóm khoảng 5 tàu liên tục hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Hồng, sát chân cầu Vĩnh Tuy (thuộc địa bàn giáp ranh giữa phường Long Biên, quận Long Biên và phường Bạch Đằng thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Sau vài lần tìm hiểu, phóng viên đã thuê chiếc thuyền đánh cá của ông Trần Văn T. để tác nghiệp.

Khoảng 22h đêm 15-8-2020, bằng hình thức cải trang làm ngư phủ giống ông T., với bộ đồ đơn giản chúng tôi khá tự tin bắt đầu hành trình “săn” cát tặc. Khi chiếc thuyền đánh cá của phóng viên áp sát 3 chiếc tàu hút tại khu vực chân cầu Vĩnh Tuy để ghi hình, bất ngờ nhiều tiếng sáo từ bên bờ sông thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng vang lên. Cùng lúc, một chiếc thuyền nhỏ của đám “cát tặc” xuất hiện, hùng hổ lao tới. Trên thuyền có 2-3 đối tượng chiếu đèn quan sát. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị từ trước nên cả lái thuyền và phóng viên vẫn tỉnh bơ, coi như đang đi thả lưới chạy sát thuyền qua tàu. Sau khi quan sát không phát hiện được điều gì bất thường, chiếc tàu bỏ về sát những chiếc tàu hút cát, còn thuyền cá của phóng viên cũng nhân cơ hội tăng hết công suất, nhanh chóng thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Trên đường về, người lái thuyền kể, trong một lần cách đấy khoảng 2 tháng, hai vợ chồng ông điều khiển thuyền sát những chiếc tàu trên, buông lưới không may mắc phải “phụ kiện” của chiếc tàu hút. Khoảng 20 phút sau, bỗng nhiên xuất hiện đến 3 chiếc thuyền chở hàng chục người đến túm tóc cả hai vợ chồng ông, hỏi han khá kỹ.

“Sau khi “xác minh” do chỉ là sự không may nên ông để lưới mắc phải tàu hút cát, các đối tượng vẫn không ngừng buông lời đe dọa: “May cho nhà chúng mày, nếu hôm nay sự việc không như vậy thì cả hai vợ chồng mày sẽ làm mồi cho cá!”. Sau khi thoát khỏi vụ việc, điều khiển thuyền cập bến, vợ tôi không hết run rẩy, mặt cắt không ra giọt máu”, ông T. kể lại.