Đi họp góp ý luật, các Bộ ngành chỉ chăm chăm "soi" xem lợi ích của mình có bị ảnh hưởng?

ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thẳng thắn chia sẻ như vậy khi giải trình về việc hồ sơ dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được trình sang Quốc hội chậm đến 15 ngày so với quy định.

Sáng nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đại diện cơ quan thẩm tra dự luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tới cuối ngày 29-9 cơ quan thẩm tra mới nhận được hồ sơ trình của Chính phủ chuyển sang. Thời gian gửi dự thảo luật chậm tới 15 ngày so với quy định, quá gấp trong khi một số nội dung trong báo cáo thuyết minh, đánh giá tác động không tương thích, thiếu nhất quán với dự thảo luật.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên họp sáng 6-10

Không chỉ trình chậm mà Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển còn chỉ ra được nhiều bất cập trong quá trình làm dự luật này. Cụ thể như: Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan chủ trì thẩm định nhưng lại có ý kiến rằng, vướng mắc trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nằm ở khâu thực hiện chứ không phải do thiếu cơ chế hay do chưa có luật. Vì thế Chính phủ có thể ban hành nghị định mà không cần ban hành luật.

“Hay Bộ Tài chính cũng “bác” hết các điều kiện liên quan đến hỗ trợ về thuế. Còn Ngân hàng  Nhà nước thì đề nghị bỏ các quy định hỗ trợ thông qua công cụ chính sách tiền tệ. Bộ Công Thương lo đến khả năng bị kiện ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nếu một số quy định tại dự thảo luật được áp dụng….Tôi chỉ trích ý kiến bốn bộ, ngành như thế thì đã có chuyện  rồi. Chưa kể, đánh giá tác động của dự thảo luật thì thấy có vẻ khả thi nhưng thực tiễn lại khác xa đấy” – ông Hiển phân tích

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã thành lập ban soạn thảo, mời các bộ, ngành liên quan tham gia nhưng các bộ đều cử không đúng người tham dự và chỉ soi xem có ảnh hưởng gì tới quyền lợi của bộ mình hay không, chứ không có tính xây dựng, mang tư tưởng đây là vấn đề lớn của đất nước, cần thiết phải xây dựng chính sách để khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

“Cách làm luật của các bộ ngành xưa nay không đến nơi đến chốn, thiếu trách nhiệm. Nên dù ban soạn thảo đã rất công phu đưa ra bản dự thảo mà không ai cho ý kiến đóng góp. Văn bản trình ra Thường vụ hôm nay là bản cuối cùng sau khi đã thống nhất giữa các bộ, ngành và sau khi được các thành viên Chính phủ góp ý. Bộ nào có ý kiến khác là không có giá trị”, ông Dũng nói.

Bổ sung thêm Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông nói: "Đã có nhiều nước có Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng ta quá chậm. Dự luật này rất quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm trên 97%. Lùi hay chậm ban hành ngày nào thì doanh nghiệp sẽ thiệt thòi. Vì thế, chúng tôi thiết tha luật này sẽ được thông qua 2 kỳ họp, còn vấn đề gì băn khoăn thì sẽ tiếp thu, chỉnh sửa”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “không phải Thường vụ Quốc hội làm khó Chính phủ nhưng luật đưa ra trình Quốc hội thì hồ sơ phải hoàn chỉnh, chặt chẽ, đảm bảo chất lượng nội dung, chứ không thể hời hợt”.