Di dời nhà nổi, du thuyền hồ Tây: Sẽ không "đánh trống bỏ dùi"?

ANTĐ - Nhiều năm qua, các du thuyền, nhà nổi trên hồ Tây hoạt động gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự nhưng cơ quan chức năng cũng chỉ kiểm tra, xử phạt rồi đâu lại vào đấy. Hiện nay, sau khi toàn bộ hoạt động của các nhà hàng nổi này đã bị đình chỉ, người dân Thủ đô đang trông chờ động thái quyết liệt tiếp theo của cơ quan chức năng chứ không phải chỉ “đánh trống bỏ dùi”.

Sẽ giải tỏa toàn bộ du thuyền hoạt động trên hồ Tây

Đình chỉ lần thứ “n”

Ngày 20-6, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kết hợp với các lực lượng liên quan và UBND quận Tây Hồ đình chỉ toàn bộ hoạt động của các nhà nổi, du thuyền ở khu vực hồ Tây (góc đường Thụy Khuê và Thanh Niên). Theo ghi nhận của phóng viên sáng 29-6, các đường dẫn, cầu tàu vẫn nguyên hiện trạng như vài tháng trước, chỉ không còn các hoạt động kinh doanh.

Các hoạt động của du thuyền, nhà nổi hồ Tây từ nhiều năm nay đã được đánh giá là không đảm bảo điều kiện kinh doanh, không đảm bảo vệ sinh môi trường và đã nhiều lần bị xử phạt. Thậm chí, đây cũng là lần thứ “n”, các ngành chức năng và UBND quận Tây Hồ quyết định dừng hoạt động, di chuyển đi nơi khác nhưng không thành.

Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhìn nhận, trước đây, do lực lượng chức năng thiếu kiên quyết nên để các du thuyền, nhà nổi hoạt động cho đến nay dù không đủ điều kiện. Khu vực này các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên mặt nước không được hoạt động, qua nhiều lần kiểm tra, các du thuyền, nhà nổi này đã qua nhiều lần cải biến, không được cơ quan chức năng kiểm định xác định có đảm bảo an toàn để hoạt động hay không. Đáng nói, hoạt động của các nhà thuyền, nhà nổi không đảm bảo môi trường, gây bức xúc trong nhân dân bấy lâu nay. 

Một số doanh nghiệp cho rằng, do UBND quận Tây Hồ và Sở GTVT chưa có quy hoạch bến đỗ cho doanh nghiệp nên họ rơi vào cảnh “đi không được, ở chẳng xong”. Theo đại diện một số doanh nghiệp hoạt động tại đây, thông báo của UBND TP Hà Nội giao cho Sở GTVT thiết kế mẫu cầu tàu, phê duyệt, sau đó giao cho doanh nghiệp để tự thực hiện. Nhưng đến nay, các doanh nghiệp chưa di chuyển được vì chưa được bàn giao địa điểm cụ thể; chưa nhận được phê duyệt.

Bà Lê Thị Bích Phương - Phó Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Tây Hồ cho biết, công ty đã từng đưa tàu lên vị trí mới nhưng chưa có cầu cảng, nơi neo đậu phương tiện nên chỉ ở đó buổi sáng, chiều buộc phải về neo đậu bến cũ để đảm bảo an toàn cho phương tiện. Từ ngày 20-6 vừa qua, toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp đã bị đình chỉ để chờ thanh tra, kiểm tra và ra kết luận. 

Sẽ buộc di dời về nơi mới 

Ông Vũ Văn Viện thông tin, UBND TP  Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm các bên như các Sở Xây dựng, GTVT, Du lịch, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy để kiểm tra điều kiện an toàn, điều kiện kinh doanh trên từng lĩnh vực của các nhà nổi, du thuyền trên hồ Tây. “Trong tháng 7, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ kiểm tra toàn bộ 13 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tại đây và cố gắng kết thúc trong tháng 7”, ông Vũ Văn Viện cho biết.

Sau khi thanh tra, kiểm tra, những doanh nghiệp đủ điều kiện thành phố sẽ cho phép tiếp tục hoạt động, những doanh nghiệp không đủ điều kiện sẽ buộc phải di dời ra khỏi hồ Tây, nếu không các ngành chức năng sẽ sử dụng các biện pháp cưỡng chế di dời. 

Liên quan đến một số khó khăn theo phản ánh của các doanh nghiệp tại đây, Giám đốc Sở GTVT cho rằng, các doanh nghiệp đã cố tình hoạt động dù không được phép của cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình kiểm tra của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp nên phối hợp tốt. Còn trước mắt, mọi hoạt động kinh doanh của 13 doanh nghiệp này phải tạm dừng.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh: “Chúng ta không thể vì khó khăn, lợi ích của doanh nghiệp mà chấp nhận cho họ hoạt động. Chúng ta phải vì lợi ích, tính mạng của người dân. Hành động kiên quyết dừng hoạt động của cơ quan chức năng cũng là động thái nhằm ngăn chặn hành vi bất chấp sự an toàn của hành khách vì mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp”.  

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, thành phố đã có chủ trương quy hoạch khu du lịch hồ Tây, trong đó có các loại hình du lịch trên mặt nước. Trước mắt, thành phố giao cho quận Tây Hồ chủ trì lập quy hoạch xây dựng bến thủy nội địa  tại khu vực đầm 7 (phường Nhật Tân, Tây Hồ). Được biết, quận Tây Hồ đã có báo cáo và đang được Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, cho ý kiến. 

Tin cùng chuyên mục