Hà Tĩnh - Quảng Bình:

Di dời hàng chục nghìn dân ứng phó với bảo số 10

ANTĐ - Bão số 10 đang tiến gần đến bờ biển các tĩnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Tại các tỉnh này đang có mưa lớn và gió giật mạnh cấp 6, cấp 7, sóng rất lớn. Hiện các tỉnh trên đang khẩn trương huy động tối đa lực lượng, phương tiện tiến hành các biện pháp ứng phó với bão số 10.
Tại Hà Tĩnh, sáng 30-9, Ban chỉ huy PCBL và TKCN tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến thời điểm này Hà Tĩnh đã tổ chức kêu gọi 3.204 tàu, thuyền và hơn 12.699 ngư dân vào nơi tránh bão, đồng thời sơ tán gần 7.000 hộ với khoảng 22.500 người dân đến khu vực an toàn. Trong đó, huyện Kỳ Anh có 2.392 hộ; huyện Cẩm Xuyên 1.053 hộ; Thạch Hà 444 hộ; Lộc Hà 1.694 hộ; huyện Nghi Xuân 1.122 hộ.
Trước đó ngày 29-9, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện khẩn, chỉ đạo các sở ban ngành và các địa phương trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung, chuẩn bị kỹ lưỡng mọi phương án tốt nhất để ứng phó với diễn biến phức tạp của bão số 10, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Bộ đội biên phòng cùng nhân dân đưa tàu thuyền lên nơi an toàn

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã chỉ đạo quyết liệt các đồn biên phòng phụ trách các địa phương ven biển, từ Kỳ Anh đến Nghi Xuân, tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn cho các chủ tàu, thuyền vào tránh trú bão, đồng thời nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi… Thực hiện chủ trương, từ tối 29-9, huyện Nghi Xuân đã khẩn trương tiến hành các phương án chống bão, chằng chống nhà cửa, sơ tán 1.122 hộ dân, với khoảng 4.023 người ở các xã ven biển khỏi khu vực nguy hiểm.
Khoảng 14h ngày 29-9, đang trên đường trú bão, chiếc thuyền có công suất 15 CV của ông Mai Văn Búp (xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) bị sóng đánh chìm. Rất may 3 người trên trên đã vào bờ an toàn, hiện chiếc thuyền đang được tìm kiếm để kéo vào bờ.
Còn tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, do mưa lớn, triều cường dâng cao và sóng đánh mạnh làm cho hơn 40m kè biển (trong 1.500m kè biển của xã Thạch Kim) bị sạt lở, trôi phần chân. UBND huyện Lộc Hà và xã Thạch Kim đã huy động các phương tiện và hơn 700 người ứng cứu dãy kè biển.
Có mặt tại xã Kỳ Khang, ghi nhận của phóng viên tại đây cho biết, người dân và chính quyền địa phương đang rốt ráo di chuyển tàu thuyền, tài sản đến những nơi an toàn. Chỉ đạo tại địa phương này, ông Trần Quốc Nam, Phó Ban tuyên giáo huyện Kỳ Anh, cho biết, ngay từ tối 29-9, xã Kỳ Khang đã tổ chức khọp khẩn, đưa ra các phương án chủ động đối phó với bão số 10. Do đó, sáng nay 30-9, xã Kỳ Khang đã sơ tán 480 hộ dân ở những vùng xung yếu, có nguy cơ nước biển dâng cao đến các hội quán, nhà cao tầng kiên cố tránh bão. Đặc biệt hàng trăm chiến sĩ biên phòng, dân quân tự vệ đã cùng với người dân kéo được hàng chục tàu, thuyền lên bờ trú bão an toàn.

Nhiều tàu thuyền của người dân đã được đưa vào nơi tránh bão

Theo Thượng tá Trần Duy Hoàng, chính trị viên Đồn biên phòng Kỳ Khang, đến thời điểm này có hơn 486 tàu, thuyền các xã Kỳ Khang, Kỳ Ninh, Kỳ Xuân, Kỳ Phú đã vào bờ neo đậu an toàn. Sáng nay hàng trăm chiến sĩ bộ đội biên phòng được huy động đến bốn xã này di dời hơn 160 hộ dân đến trường học, hội quán.

“Hiện nay cơ bản công tác di dời dân, tránh bão ở bốn xã ven biển phía bắc Kỳ Anh đã hoàn thành. Lực lượng chức năng được bố trí trực bão 24/24 để đảm bảo tài sản, an toàn tính mạng cho người dân”, Thượng tá Hoàng nói. 
Theo ông Bùi Lê Bắc, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Tĩnh, nhận định, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng của bão số 10. Ngày từ sáng nay tỉnh Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo ráo riết các huyện nói trên phải sớm hoàn thành việc kêu gọi tất cả tàu thuyền vào neo đậu an toàn, cử người túc trực đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, các hồ đập, tăng cường lực lượng để kiểm tra, giằng chéo và đảm bảo an toàn cho các công trình, nhà cửa của người dân, các trường học phải có phương án cho học sinh nghỉ học… 
Tại Quảng Bình, UBND tỉnh đã ra công văn khẩn chỉ đạo các sở ban ngành, địa phương thực hiện các phương án ứng phó khẩn cấp với bão số 10. Toàn tỉnh tiến hành di dời 6.111 hộ, khoảng 27.148 người dân. Trong đó huyện Lệ Thủy có 1.478 hộ, với 7.390 người, Tuyên Hóa có 2.473 hộ, với 9.571 người, Quảng Ninh có 1.000 hộ, với 4.000 người, Bố Trạch có 494 hộ, với 2.857 người, Quảng Trạch với 2.120 người... và tỉnh Quảng Bình cũng quyết định cho học sinh nghỉ học từ 30-9.

Người dân nhanh chóng chồng chéo, gia cố nhà cửa trước khi bão vào

Tại huyện Lệ Thủy, lúc 9 giờ sáng 30-9, gió kèm theo mưa lớn bắt đầu nổi lên. Đây là vùng được dự báo bão sẽ đi qua chiều nay 30-9. Hiện có 220 hộ dân các xã biển gồm Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Bắc nguy cơ ảnh hưởng triều cường, đang được di dời đến những điểm cao, nhà cao tầng kiên cố và trụ sở cơ quan nhà nước.
Còn huyện Quảng Ninh đã có khoảng 500 hộ ở xã Trường Sơn, Trường Xuân, Tân Ninh, Vạn Ninh di dời lên chỗ cao. Huyện Tuyên Hóa di dời 10 hộ ở xã Thanh Hóa gần Nhà máy thủy điện Hố Hô, đề phòng nhà máy điện phải xả lũ. Huyện Quảng Trạch di dời 4 hộ ở xã Quảng Phú, Quảng Đông vào tạm trú tại đồn biên phòng 484. Các địa phương khác tùy tình hình cụ thể để thực hiện di dời khẩn cấp trước bão.

Tin cùng chuyên mục