Di dân tự do còn nhiều phức tạp

ANTĐ - Sau gần 20 năm thực hiện giải quyết tình trạng di dân tự do, mặc dù lượng người di cư tự do đã giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Bình quân mỗi năm vẫn có khoảng gần 2.000 hộ di cư tự do gây khó khăn cho quản lý, mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ để ổn định dân cư.

Đời sống của dân di cư còn nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất

Vẫn còn 6.000 người di cư/năm

Bộ NN&PTNT cho biết, giai đoạn 1991-1995, bình quân mỗi năm có khoảng 16 vạn người di cư tự do; giai đoạn 1996-2000 giảm xuống còn 9 vạn người/năm; giai đoạn 2000-2010 chỉ còn khoảng hơn 4 vạn người/năm. Đặc biệt, những năm gần đây, lượng người di cư tự do đã giảm chỉ còn khoảng 6.000 người/năm. Song, theo nhận định của Bộ NN&PTNT, tình trạng di cư tự do vẫn có những diễn biến phức tạp ở một số vùng và địa phương. 

Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho biết, vùng mà số dân di cư tự do đến nhiều nhất là các tỉnh thuộc Tây Nguyên và Đông Nam bộ, còn nơi dân đi tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Từ năm 2006 đến nay, ngân sách Trung ương đã bố trí cho các địa phương khoảng 6.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án bố trí ổn định dân cư. Các địa phương huy động thêm ngân sách địa phương khoảng 2.000 tỷ đồng.  Song, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác phát triển nông thôn nhận định, đời sống của dân di cư tự do vẫn còn nhiều khó khăn, không ổn định, không tiếp cận đầy đủ các dịch vụ về y tế, giáo dục, văn hóa…. 

Là một tỉnh miền núi, từ năm 1998 đến tháng 10-2013, tỉnh Hà Giang có hơn 7.000 người di cư tự do đi, nhưng chỉ có 204 người đến. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến cho biết, những năm qua, Chính phủ cũng như địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống, song, đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi lớn, trong khi nguồn vốn từ Trung ương bố trí chưa đáp ứng được nhu cầu. Đời sống của nhân dân còn nhiều bất cập như thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo nhiều. “Những năm qua, tình trạng di cư tự do vẫn còn xảy ra và diễn biến ngày càng phức tạp”, ông Nguyễn Minh Tiến phản ánh.

Còn trên địa bàn huyện EA Súp - Đắk Lắk, ông Bun Thó Lào, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, từ năm 1995 đến năm 2013 đã có 14.134 người di cư đến, tỷ lệ hộ nghèo của dân di cư tự do trên 80%. “Dân di cư tự do vào địa bàn huyện với số lượng lớn đã gây khó khăn cho xã và huyện trong việc quản lý nhân, hộ khẩu, quản lý bảo vệ rừng, làm xáo trộn, phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện”. 

Cần quy định trách nhiệm cụ thể

Bộ NN&PTNT đánh giá, còn tình trạng di cư tự do diễn ra phức tạp là do dân số nước ta tiếp tục tăng, phân bố không đều, một bộ phận đời sống của bà con vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, thiếu đất sản xuất, trong khi, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội còn nhiều bất cập, chồng chéo, thiếu đồng bộ, chưa hỗ trợ đúng mức để giúp người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập và ổn định đời sống.

“Sự phối hợp giữa các địa phương có người đi và người đến còn mang tính hình thức, định kiến, đùn đẩy; việc quản lý nhân khẩu còn lỏng lẻo, không nắm chắc được số lượng dân di cư tự do đến và đi”, ông  Tăng Minh Lộc nhận định.  Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông Nguyễn Hữu Huân cũng đề nghị, cần có các quy định cụ thể trách nhiệm của các tỉnh có dân đi trong việc phối hợp với tỉnh có dân đến để bố trí, sắp xếp ổn định cuộc sống, như kiểm soát chặt chẽ số lượng người dân đi, có trách nhiệm đầu tư kinh phí để cùng các tỉnh có dân đến sớm ổn định số hộ dân đã di cư vào; các hộ dân mà di cư không có kế hoạch, không có đất sản xuất, không chấp hành tốt thì cương quyết di dời về quê cũ.