Đi cũng dở, ở không xong

ANTĐ - Không ít cặp vợ chồng, ly hôn một thời gian rồi lại tái hôn trong sự hân hoan của hai họ. Nhưng do không chuẩn bị tâm lý nên sau nụ cười lại có rất nhiều nước mắt. 

Khi tái hôn, cha mẹ nên suy xét cẩn thận để tránh làm tổn thương con lần nữa

(Ảnh minh họa internet)

“Ngựa quen đường cũ”

Nguyễn Ngọc Nga (quận Hai Bà Trưng) vốn là hoa khôi trong trường đại học, vừa giỏi giang, vừa xinh đẹp. Xung quanh cô có rất nhiều người theo đuổi, tuy nhiên, cô lại phải lòng một anh chàng sinh viên nghèo từ quê lên. Cuộc tình mãnh liệt nhưng lại không được sự đồng ý của gia đình Nga, lý do nhà anh Công – chồng Nga, quá nghèo, hình thức cũng không xứng đôi vừa lứa. Nhưng càng cấm thì lửa tình càng mặn nồng, Nga bỏ nhà đi theo Công nên bố mẹ buộc phải đồng ý.  

Hai vợ chồng trẻ sống cùng với bố mẹ vợ vì không có tiền mua nhà riêng. Nga quen được bố mẹ chiều chuộng nên ỷ lại mọi việc cho bố mẹ. Cô yêu cầu chồng về sớm, giúp đỡ, tâm tình với bố mẹ. Tuy nhiên, Công vẫn mang tâm trạng của chú rể nghèo, phải rúc gầm chạn nên khi ngồi với bố mẹ vợ thường thấy gượng gạo. Anh thường lẩn tránh bằng cách đi sớm về muộn, có về thì cũng chui vào phòng chơi vi tính. 

Mâu thuẫn gia đình cứ thế âm ỉ. Đến khi Công quên sinh nhật của vợ, Nga gầm lên: “Anh chỉ là thằng sống nhờ thì cũng phải biết điều”. Tự ái, Công xách va li ra ngoài ở và đệ đơn ly hôn, cho dù Nga khóc lóc, xin lỗi. Tuy nhiên, chỉ ly hôn được một thời gian, hai người lại thấy nhớ nhung. Thế là lại rủ nhau đi nhà nghỉ, rồi quay về với nhau.  

Còn chị Trần Hồng Mai  (phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy) ly hôn khi phát hiện chồng cặp bồ với cô nhân viên. Không những thế, đó lại là cô nhân viên mà theo chị, vừa già, vừa xấu, vừa ít học. Với một Tiến sĩ như chị Mai là một sự sỉ nhục không thể chấp nhận. Vì thế, cho dù chồng hứa hẹn, năn nỉ, chị vẫn quyết định ly hôn, một mình nuôi cả hai con. 

Anh Đức - chồng chị Mai ăn năn, hối lỗi, lại thương con nên thường xuyên qua nhà vợ cũ, đưa đón các con đi học, đưa con đi chơi. Hai đứa nhỏ ríu rít, muốn có cả bố mẹ cùng đi, nên anh chị lại gạt nỗi hận sang bên, cùng diễn vai gia đình hạnh phúc. Nhiều lúc, anh Đức còn ở lại ăn cơm, dạy các con học. Nhìn các con vui vẻ bên bố, chị Mai cũng nguôi ngoai nỗi giận dữ. Vì thế, chị chấp nhận quay về với chồng. 

Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông

Khi hai người ở bên nhau thì vui vẻ, quấn quýt, tuy nhiên, khi đối mặt với bố mẹ vợ, cảm giác khó chịu của Công vẫn còn nguyên. Không những thế, mẹ vợ Công còn nói chuyện điện thoại với họ hàng ngay trước mặt Công, rằng “cái thằng đó đi chán không thấy ai hơn con gái tôi thì mới quay về”. Bà cũng thường xuyên soi xét mỗi khi Công đi về muộn hoặc làm điều gì trái ý Nga. Còn Nga cũng vào hùa với mẹ để “dạy chồng từ thuở bơ vơ” chứ gia đình không phải chốn muốn đi thì đi, muốn về thì về. Công bàn với vợ thuê nhà ở riêng Nga không chịu. Vì thế, Công luôn buồn rầu, cảm giác vui vẻ khi quay về với vợ cũng biến mất, cảm giác nặng nề lại tăng lên gấp bội. Nhưng vợ đã có bầu, nên lần này, Công không thể xách vali ra đi được nữa. 

Còn chị Mai cũng đồng ý quay về với chồng khi bắt anh Đức cam kết “hai vợ chồng đi đâu cũng phải có nhau, không giấu giếm, không phản bội”. Thực sự hối lỗi, anh Đức nhanh chóng thoả thuận với vợ. Ai ngờ, anh đi đến đâu, chị Mai cũng đòi đi đến đó. Anh đi ăn cưới, đi nhậu, đi nghỉ mát cùng đồng nghiệp, chị đều đòi đi theo. Đến chỗ nào, chị cũng chứng tỏ “chủ quyền” của mình bằng cách ngồi cạnh, rót bia, gắp thức ăn cho chồng. Anh đi đâu về muộn là phải làm “tường trình” từng giờ, từng phút nào, ngồi với ai, làm gì. Nhưng anh vẫn không ngờ được, chị còn gọi điện cả cho sếp của anh để tìm hiểu xem có đúng “tối qua chồng em đi tiếp khách cùng anh không”. Sáng hôm sau, sếp anh Đức gọi anh vào chấn chỉnh, đồng nghiệp nhìn anh đều cười bí hiểm hoặc vỗ vai đầy “thông cảm”. Nếu anh Đức bày tỏ thái độ bực tức, chị Mai lại “lên cơn” khóc lóc, than vãn, lôi quá khứ ngoại tình của anh ra chì chiết. “Tôi những tưởng cô ấy đã thực sự tha thứ và tin tưởng tôi thì mới quay về, nào ngờ. Tôi bắt đầu sợ hãi trước sự ghen tuông vô lối và kiểm soát vô văn hoá như vậy. Nhưng tôi chẳng thể ly hôn lần nữa, vì con cái, bố mẹ sẽ tổn thương biết chừng nào” – anh Đức than vãn. 

Do niềm tin mất mát từ cuộc đổ vỡ trước nên người phụ nữ tái hôn rất nhạy cảm trước những lời nói hoặc cư xử thiếu chu đáo, thận trọng của chồng. Bản thân họ cũng trở nên cay nghiệt, săm soi “bới lông tìm vết” bằng lăng kính “phóng đại” khuyết điểm của chồng, luôn đề cao cảnh giác, cư xử thẳng thừng, thiếu tinh tế. Một lỗi dù rất nhỏ nhưng nhắc họ nhớ lại nỗi đau cũ và họ có thể hoàn toàn phủ nhận sự cố gắng, sự tốt đẹp của chồng. 

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà cũng cho biết “Nếu kết hôn lần đầu mà tan vỡ thì có thể đổ tại vì yêu quá mà mù quáng, chưa kịp tìm hiểu hoặc trách bạn đời sai lầm, làm tổn thương mình. Nhưng nếu tái hôn thất bại chỉ có thể trách bản thân. Ngoài ra, kết hôn lần đầu là cưới với những đức tính tốt đẹp mà ta tìm thấy ở bạn đời, cưới hạnh phúc, cưới niềm vui, còn tái hôn là cưới những thói xấu, những nỗi đau, những sự tổn thương chứ không chỉ là điều tốt đẹp. Nếu bạn không chuẩn bị tâm lý, không sống bao dung và không thật sự quên đi vết thương lòng thì chỉ làm cho nhau tổn thương nhiều hơn”.