Đi chợ cần sa... qua mạng: Thiếu hiểu biết hay phớt lờ hiểm họa

ANTĐ - Thiếu hiểu biết về pháp luật (hoặc cố tình tỏ ra không biết), nhiều người cho rằng việc mua bán, sử dụng không phải là... hành vi phạm pháp và công khai mua bán. Trong khi đó, tác hại của thứ ma túy này thì không phải ai cũng biết.

Đi chợ cần sa... qua mạng: Thiếu hiểu biết hay phớt lờ hiểm họa ảnh 1Cần sa được rao bán trên mạng 


Sôi nổi chợ trên mạng

Vào Facebook chỉ cần gõ “cần sa” sẽ hiện ra hàng loạt trang liên quan đến việc mua bán cần sa. Đó là những nhóm mở mà bất cứ ai cũng có thể vào xem với số lượng vài nghìn thành viên, còn chưa kể đến những nhóm kín mà phải có sự đồng ý của admin (quản trị trang) mới có thể trở thành thành viên cũng có số lượng đông không kém.  

Dù là giao dịch trên mạng nhưng cả người mua và người bán đều rất giữ “chữ tín”. Mỗi ngày trên các trang mạng có hàng chục giao dịch mua bán cần sa thành công. Theo một thành viên nhóm kín nổi tiếng mua bán cần sa là VNS 420  thì trong hàng trăm giao dịch diễn ra hàng ngày chưa có một giao dịch nào bất thành.

Những đối tượng mua bán cần sa phần lớn là thanh niên thường nhắn tin trên trang cá nhân, thương lượng giá cả, phương thức thanh toán và địa điểm giao hàng. Sau khi có thông tin, tiền được chuyển vào tài khoản và hàng sẽ được giao đến tận nơi. Nếu ở xa, người bán sẽ đóng gói như những gói hàng bình thường khác và gửi theo đường xe khách, người mua sẽ ra bến xe hoặc địa điểm do nhà xe thỏa thuận để lấy hàng. 

Theo những thông tin trao đổi trên VNS 420, đã có nhiều thùng cần sa với các kích cỡ khác nhau được vận chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Khi đã có nhiều mối hơn nhờ vào các “sàn giao dịch” trên mạng xã hội, các tay buôn cần sa đang tìm cách đặt hàng từ nước ngoài. Như vụ đối tượng Trần Quốc Thịnh mới bị CAQ Bắc Từ Liêm bắt giữ khi đang mang bán 2,5kg cần sa, Thịnh khai đã đặt hàng một đối tượng người Lào và bán lại cho khách  đặt mua qua mạng để hưởng chênh lệch 4 triệu đồng/kg.

Hiểm họa khôn lường

Mặt hàng cần sa tại Hà Nội có hai loại, một là nhập từ nước ngoài với hình thức vận chuyển trái phép từ Canada, Anh hoặc Úc, Hà Lan... gọi chung với tên “cần Ca”, giá khoảng 30-35 triệu đồng/100 gam. Loại thứ hai thường gọi chung là pin hoặc tài mà, được trồng ngay trong nước hoặc khu vực Đông Nam Á, giá rẻ hơn, 1,5-2 triệu đồng/100 gam. Từ đó, dân chơi cần sa phân biệt đẳng cấp, có tiền mới dám xài hàng Ca (nhập từ nước ngoài), ít tiền hơn thì chơi “cỏ Việt”.

Theo chỉ huy Đội Cảnh sát ĐTTP về ma túy CAQ Nam Từ Liêm, thời gian gần đây, việc hút cần sa ngày càng phổ biến khiến việc mua bán cần sa ngày càng nhiều và số lượng lớn hơn. Thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về pháp luật, phần nhiều trong số người sử dụng không biết rằng mình đang vi phạm pháp luật. Sự nguy hại của cần sa ở chỗ, nếu người nghiện ma túy (như heroin) chỉ phạm tội khi thiếu thuốc - tức gây án để có tiền mua thuốc, thì người chơi chất gây ảo giác như cần sa thường gây án do no thuốc - tức đang phê thuốc. Vì khi “phê” thuốc, người sử dụng cần sa có thể bị ảo giác, dễ bị kích động thực hiện những hành động khác thường. Một số thanh niên sau khi hút cần sa trở nên quậy phá, đua xe, đâm chém nhau cũng vì thế.

Đi chợ cần sa... qua mạng: Thiếu hiểu biết hay phớt lờ hiểm họa ảnh 2

 Dụng cụ hút cần sa của dân chơi 

Hiện nay, việc sử dụng cần sa khá phổ biến trong một bộ phận giới trẻ ăn chơi. Không nặng nề giống các chất kích thích khác như thuốc lắc, ketamine, không cần tốn địa điểm hoặc cầm cả bình đi để “đập” như “đá”, cần sa được dùng như thuốc lá và được dân chơi hút ở mọi chốn, mọi lúc, thậm chí có người còn sử dụng cả điếu cày để hút cần sa. Dân hút cần sa chuyên nghiệp ở Hà Nội thường bỏ 500.000 đồng để mua một búp (một nhánh hoa) cần Ca, về quấn được 4 - 5 điếu dùng dần trong khoảng 2 - 3 ngày. Và số tiền để một dân chuyên “cần” dùng cho 1 tháng có thể lên tới 6-7 triệu đồng.

Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định cần sa là chất ma túy rất độc hại và nó được xếp vào danh mục I là danh mục “các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền” và có tác hại không hề thua kém heroin hay ma túy tổng hợp.

Do đó cần tuyên truyền và ngăn cấm triệt để việc một bộ phận giới trẻ hiện nay đang có lầm tưởng về cần sa. Mỗi gia đình cần quan tâm đến con em, người thân trong gia đình mình hơn khi thấy có những biểu hiện bất thường có liên quan đến cần sa, trình báo với cơ quan công an để tạo điều kiện cho con em mình được đi cai nghiện. Đồng thời khi phát hiện thấy có người tụ tập hút cần sa hoặc mua bán cần sa kịp thời trình báo với lực lượng công an để xử lý.

Khi sử dụng cần sa, người nghiện có những ảo giác khác thường, có những cơn hoang tưởng giống như bệnh nhân mắc bệnh tâm thần hoang tưởng. Cần sa có chất độc tác động lên hệ thần kinh trung ương gây ra những ảo giác rất nguy hiểm, không làm chủ được hành vi có thể chém giết người khác, tự chém bản thân hoặc dẫn đến tự tử. Hai cuộc nghiên cứu rộng lớn đã được tiến hành ở New Zealand và Thụy Điển về tác động của việc hút cần sa đến sức khỏe tâm thần đã đưa ra khuyến cáo: thói quen hút cần sa làm đột biến sự tiến triển của bệnh tâm thần ở người dễ mắc bệnh, nhất là trạng thái tâm thần phân liệt, chưa kể cần sa gây cho người hút trạng thái ngất ngây, dễ bị kích động. Theo một tài liệu ở Mỹ, 16% tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng có nguyên nhân do lái xe sử dụng cần sa khi điều khiển phương tiện chuyên chở.