Đi bẫy "chuột tuyệt chủng 11 triệu năm"

ANTĐ - 

Những ngày này, dư luận rất ngạc nhiên vì Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế thông báo rằng phát hiện loài chuột đá được cho là đã tuyệt chủng cách nay 11 triệu năm ngay tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Việt Nam.

Theo sự kiện này, chúng tôi đã có chuyến thị sát về đồng bào Rục ở xã miền núi Thượng Hoá và rất bất ngờ khi biết rằng loài chuột này đã sống ở đây từ rất lâu, càng thú vị hơn khi người dân ở đây thường bẫy được chúng về ăn và làm... đồ nhậu.

“Thì ra là con kà nệ khụng”

Vượt qua hơn trăm cây số, chúng tôi tìm vào bản Ón (xã Thượng Hoá, Minh Hoá, Quảng Bình) - nơi có đồng bào dân tộc Rục sinh sống. Khu rừng mà người dân phát hiện chuột đá là một phần trong hơn 20.000ha rừng mở rộng cho di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. Nơi đây chưa có cuộc điều tra sinh học nào đáng kể.

Khi biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về loài chuột trong báo cáo của tổ chức quốc tế là đã tuyệt chủng 11 triệu năm trước, ông Trần Xuân Tư - trưởng bản - tỏ vẻ ngạc nhiên: “Cái con mà họ nói tuyệt chủng chi đó, thì ra là con kà nệ khụng, xưa nay dân bản không biết hắn quý như răng nhưng vẫn thường bắt được và làm thịt ăn”. Cách đây mấy ngày, dân bản Ón rất lấy làm lạ vì các nhà khoa học tìm về và nghiên cứu loài thú này.

Họ nói đây là một loài thú quý hiếm đã tuyệt chủng. Hiện đang có nhiều trai bản dẫn các nhà nghiên cứu vào rừng tìm bẫy kà nệ khụng.

Theo lời của ông Tư, người Rục trước đây sống ở trong các hang đá thuộc dãy núi đá vôi trong vườn quốc gia. Ở đó, thức ăn chính của họ là một loại lá cây phơi khô rồi chà nhuyễn nấu lên. Còn thịt, chủ yếu là các loại chuột lồ ô, chuột kà nệ đang, kà nệ coọng và thỉnh thoảng còn bắt được cả kà nệ khụng. Khi được đề nghị miêu tả lại hình dáng, đặc điểm của loài thú này ông Tư nhanh nhảu: “Người hắn đen tuyền, lông mượt rất đẹp như lông khỉ, đuôi dài không đến hai gang tay, tai nó to bằng bề ngang ngón tay nhưng chiều dài dài hơn đốt tay, móng chân của nó phát triển như móng chân mèo quanh có lông mọc dày”. Rồi ông vội nói mấy người trong bản đi gọi ngay anh Cao Xuân Chài - cạnh nhà, người hay đi bẫy chuột ở bản ra để tiếp chuyện.
Đi bẫy "chuột tuyệt chủng 11 triệu năm" ảnh 1
Anh Cao Xuân Chài đặt bẫy kà nệ khụng

Anh Chài sinh năm 1974, sinh ra và lớn lên trong hang đá nên chuyện bẫy, bắt chuột rành lắm. Anh cho biết, loài kà nệ khụng này có lông mượt, không nhanh nhẹn như chuột thường nên chỉ sống và tìm thức ăn quanh hang của mình. Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa dông (khoảng tháng 6 đến tháng 9) và chỉ xuất hiện vào buổi đêm. Cạnh đó, ông Cao Xuân Yên là một trong số những người lớn tuổi trong bản còn chịu khó đi bẫy chuột nhiều nhất.

Mỗi ngày ông Yên đặt khoảng gần 100 bẫy treo, bẫy kẹp. Theo ông, bẫy thú gặm nhấm rất dễ, nhưng riêng với kà nệ khụng thì khó vì loài này rất khôn. Nếu để chúng đánh hơi thấy có con người là coi như hết bẫy, thậm chí chúng chuyển lên vùng cao hơn ở để tránh người. “Trước đây thì có con nào cả nhà đều dùng để ăn, nhưng giờ có con sống thì cũng bán được nên tui dùng bẫy treo là chủ yếu vì sợ dùng bẫy kẹp thú chết ngạt hết” - ông Yên cho biết.

Bắt đầu từ buổi sáng, ông Yên đã lục tục leo lên những lèn đá cao tìm thu chiến lợi phẩm, sắp đặt xong xuôi rồi chiều tối về chờ sáng mai lên lại. Chuột bắt nhiều nên càng ngày càng ít, có ngày ông chỉ bắt được dăm ba con, kà nệ khụng thì ít gặp hơn nhưng thỉnh thoảng vẫn có. “Đi lèn nhiều nên tui bắt được kà nệ khụng nhiều lắm, nhưng tui ít ăn vì thịt nó mềm, đi bẫy về thường cho trẻ con nướng ăn thôi” - ông Yên kể.

Khi còn ở hang đá đã thấy

Anh Chài sinh ra và lớn lên trong hang đá, cách đây khoảng gần 10 năm, theo lời kêu gọi của cán bộ, anh và gia đình mới ra thung lũng an cư lạc nghiệp. Kinh tế gia đình chưa ổn định nhiều nên thường ngày anh vẫn chọn bẫy chuột là nghề chính. “Tui nỏ (không) biết họ gọi răng, nhưng khi ở trong hang bọn tui đã thấy và gọi là con kà nệ khụng, người hắn mềm, có mùi như mùi con voọc nên ăn không được ngon cho lắm” - người đàn ông còn vương chút hoang sơ của bộ lạc sống trong hang sót lại kể.

Rồi anh tiếp: “Thường một con kà nệ khụng làm ra được 1 đĩa, người làng thường nấu với ruốc, riềng, sả (giả cầy) và uống rượu đoác, uống cũng hợp!”. Theo lời trưởng bản Tư, khắp vùng núi đá vôi của Phong Nha - Kẻ Bàng, chỉ mới thấy ở vùng bản Ón có con kà nệ khụng. Những nơi khác, vì người ta không sống trong hang hoặc không để ý khi gặp nên chưa thấy nói có.

Đặc điểm của loài chuột này là sạch sẽ, ưa sống nơi yên tĩnh, thường là trên các lèn đá cao ít người qua lại. Nó chậm hơn so với loài chuột thường, lại hiền hơn và tỏ ra khôn hơn chuột, thịt lại có mùi của khỉ nên bà con vẫn nghi ngờ nó là một loài của khỉ. “Nhìn xa thì giống chuột, nhưng nhìn kỹ thấy hắn giống khỉ lắm” - anh Chài phán đoán theo kinh nghiệm đi bẫy rừng của mình.

Rồi không để phải nghĩ lâu, anh dẫn chúng tôi leo vào một ngọn núi đá vôi, nơi anh đặt các bẫy treo trước cửa hang chuột kà nệ khụng. Chiếc bẫy được làm rất đơn giản đặt ngay trước cửa hang gồm một cần dài cắm thẳng xuống đất, đầu cần cột một sợi dây và néo vào cánh gạt đặt ở cửa hang. Vì mới đặt nên khi chúng tôi lên vẫn chưa có con chuột nào dính bẫy.

Chuột đá kà nệ khụng bắt được tại bản Ón. Ảnh: FFI

Hầu như khắp bản Ón, những ai đã đi rừng bẫy chuột đều đã gặp kà nệ khụng. Khi được kể là nó được các nhà khoa học cho là tuyệt chủng cách đây nhiều triệu năm thì họ vẫn ngây ngô vì bao đời nay, người làng vẫn thấy chúng, bắt chúng và ăn thịt chúng. Ông Tư cho biết: “Trước giờ, người dân vẫn bẫy bắt và ăn thịt chuột như một món quen thuộc, nay nếu cán bộ nhà nước có tuyên truyền bảo vệ vì thấy có lợi ích khoa học nào đó thì dân bản sẽ gắng làm theo, bởi chúng cũng là một loài chuột trên lèn thôi!”.

Phát hiện của khoa học

Trước đây, các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Tự nhiên khoa học Mỹ từng phát hiện mẫu hoá thạch của một loài thú rất lạ có hình dạng giống loài chuột tại một vùng rừng núi ở Trung Quốc. Qua nghiên cứu, phân tích khoa học như đo xương, răng, xác định ADN..., các nhà khoa học xác định được đây là mẫu hoá thạch của giai đoạn 11 triệu năm về trước.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Chuột núi Lào hoặc kha-nyou (tên khoa học: Laonastes aenigmamus, tức là “chuột đá Lào”) là loài gặm nhấm sống ở miền Khammouan của Lào. Loài này được miêu tả lần đầu tiên năm 2005 trong một bài báo của Paulina Jenkins và một số người khác, họ nghĩ rằng động vật này có tính chất khác biệt với các loài gặm nhấm đang sống đến độ cần phải đặt nó vào một họ mới, gọi là Laonastidae.

Vào năm 2006, cách phân loại của loài chuột này bị Mary Dawson và một số người khác bác bỏ. Họ cho rằng nó thuộc về họ hoá thạch cổ, Diatomyidae, trước đây tưởng bị tuyệt chủng 11 triệu năm trước. Do đó, loài này tiêu biểu cho đơn vị phân loại Lazarus. Con này giống với con chuột lớn có lông đen và đuôi dày rậm lông. Nó có sọ rất lạ với đặc điểm khác với các thú vật khác đang sống”.

Đối chiếu hình dáng bên ngoài của con vật này và hoá thạch được phát hiện tại Trung Quốc trước đó, các nhà khoa học khẳng định loài chuột đá ở Lào thuộc cùng nhóm với loài thú thuộc họ gặm nhấm trong mẫu hoá thạch. Ở bản Ón, loài này được gọi là kà nệ khụng. Đầu tháng 9.2011, Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) và nhóm chuyên gia điều tra đa dạng sinh học của VN ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tuyên bố là đã phát hiện loài này.