Dệt hoa giữa Cao nguyên đá

ANTĐ - Xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, Hà Giang nằm lọt trong một thung lũng rộng, bốn bề là núi đá, nơi có dòng sông Miện mát xanh uốn lượn. Sắc màu cuộc sống vùng cao Lùng Tám đẹp như một bức tranh, giống như những họa tiết thêu trên xống váy của người con gái Mông vùng cao Tây Bắc.

Dệt hoa giữa Cao nguyên đá ảnh 1

Từ bao đời nay, quần áo truyền thống của người Mông đều may bằng vải lanh, do chính bàn tay người phụ nữ trong gia đình dệt với đậm đà bản sắc tộc người trong tạo hình và trang trí. Vải lanh của người Mông được dệt từ những sợi tơ lanh. Màu sắc hoa văn cũng được nhuộm từ cây, lá, củ, quả hái từ rừng về. Cũng bởi vậy nên những họa tiết trang phục hòa quyện cùng sắc màu thiên nhiên trầm ấm, tạo nên nét đẹp tự nhiên, bình dị như chính cuộc sống của người phụ nữ Mông trên Cao nguyên đá. 

Trang phục của phụ nữ Mông có họa tiết hoa văn rất riêng từ khăn đội đầu đến xà cạp quấn chân, cổ áo, nẹp áo, thắt lưng, bồ giáo phía trước, thân váy… Kỹ thuật thêu hoa văn của người Mông rất phức tạp và chỉ được làm bằng tay. Vì thế, nó thể hiện sự tinh tế của người phụ nữ Mông. Cách bố cục và họa tiết trên trang phục của người Mông còn thể hiện sức sống, bản lĩnh của con người trước thiên nhiên khắc nghiệt ở vùng sơn cước. 

Loại vải của người Mông được dệt từ cây lanh vốn rất dễ trồng. Đầu tiên, người ta phải thu hoạch những cây lanh già. Để có các sợi dài nhất có thể, lanh được thu hoạch thủ công bằng cách nhổ toàn bộ cây hoặc thân cây được cắt sát gốc. Sau khi thu hoạch, những hạt giống được tách ra. Phần than xơ lanh được ngâm trong nước rồi đập giập, dùng cối đá lăn cho các sợi xơ lanh hoàn toàn bong và tạo thành búi, dễ tước. Sau khi dầm, đập, lăn và tước xơ, các sợi lanh sẽ được chải và nối lại thành những sợi dài. Sợi lanh được các nghệ nhân se lại qua nhiều công đoạn guồng se, luộc trắng rồi lại se cho tới khi sợi lanh đạt được kích thước và độ dai như ý. Công đoạn tiếp theo là dùng guồng cuộn lại thành từng cuộn lanh hoặc lồng vào thoi để mắc lên khung dệt. Những thước vải sau đó được luộc lại thêm một lần trước khi mang nhuộm màu và dùng cối đá lăn cho đến khi nhẵn bóng mới thôi. 

Để có được những bộ váy áo, những chiếc túi, xà cạp xinh xắn và rực rỡ sắc màu như vậy, công đoạn quan trọng nhất và đòi hỏi nhiều thời gian, sự khéo léo nhất của người phụ nữ Mông là giai đoạn tạo hình, thêu hoa, vẽ sáp ong và tạo màu thành phẩm. Tất cả những công đoạn này đều được làm bằng tay. Vì vậy, có những thiếu nữ Mông để làm xong một bộ váy áo chuẩn bị cho ngày cưới có thể mất tới một vài năm. Đôi khi, một chiếc gấu váy cũng đã phải thêu trong vài ba tháng mới hoàn thành. Mọi cô gái Mông đều tự tay may, thêu những bộ váy áo đẹp nhất cho ngày cưới của mình. Chính vì vậy, chiếc váy Mông với những hoa văn tinh tế, đặc sắc ấy không chỉ là những bộ váy thông thường, nó còn là cả tinh hoa văn hóa, tinh thần và tình cảm của người con gái và người phụ nữ Mông trong cuộc sống thường ngày. 

Chúng tôi đến thăm Hợp tác xã dệt lanh Lùng Tám, nơi những người phụ nữ Mông tự hợp nhau lại thành tổ nhóm sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, biến những sản phẩm truyền thống của dân tộc thành những sản phẩm thủ công có giá trị kinh tế cao, mẫu mã đa dạng, phục vụ nhu cầu mua sắm, tham quan của du khách khi tới địa phương. Ở đây, những sản phẩm truyền thống đã vượt ra ngoài khuôn khổ “tự cung tự cấp” phục vụ nhu cầu gia đình để vươn ra thị trường du lịch rộng lớn.

 Du khách tới đây cũng vô cùng thích thú với những sản phẩm thủ công mang hoa văn, họa tiết truyền thống. Mẫu mã lại phù hợp nhu cầu sử dụng, làm quà tặng. Bởi vậy nên sản phẩm dệt lanh Lùng Tám cứ âm thầm đến với du khách gần xa, văn hóa truyền thống của người Mông ở Lùng Tám cũng từ đó mà ngày thêm đậm đà, đa dạng.