Đẹp dần trong mắt du khách

ANTĐ - Để đánh giá, xếp hạng văn hóa của một thành phố, người ta không cần dùng một thước đo cụ thể nào mà chỉ nhìn vào thái độ, hành vi, ứng xử của người dân. Câu chuyện một du khách nước ngoài bị ngất xỉu gần khu vực chợ Hàng Bè được người dân Hà Nội kịp thời sơ cứu, vượt qua cơn nguy cấp, chỉ là một trong rất nhiều nét phản chiếu văn hóa người Thủ đô, cũng chính là bản sắc văn hóa Việt Nam.

Du khách từ châu Âu, Mỹ, Australia hay Nhật Bản, Hàn Quốc tìm đến Hà Nội, Huế, TP.HCM hay các tỉnh duyên hải miền Trung không phải để ngắm các tòa cao ốc, công trình xây dựng hiện đại hoặc những cây cầu hoành tráng. Họ tới để chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên, thưởng ngoạn bờ biển tràn nắng gió hoặc thăm thú chùa chiền, phố cổ Hà Nội, Hội An. Nhưng họ cũng “để mắt” tới những con người, chủ nhân của cảnh quan, di tích, điểm du lịch.

Cảnh sắc đẹp, hấp dẫn đến mấy không thể tách khỏi con người. Một nụ cười thân thiện, sự tận tình chu đáo, lòng mến khách dễ khiến du khách ấn tượng hơn, lưu luyến không muốn rời đi. Không ít du khách khi trở về nước, ngoài mấy thứ đồ lưu niệm, họ còn mang theo cả những chuyện tận mắt thấy, kể cho người thân, bạn bè. Đây chẳng phải là những người tiếp thị, quảng cáo tuyệt vời cho du lịch, cho đất nước, con người Việt Nam đó sao? 

Cũng phải thừa nhận rằng, để gây được ấn tượng khó quên trong lòng du khách, để giữ chân và hy vọng họ sẽ quay trở lại không dễ dàng chút nào. Để chăm sóc du khách, các cơ quan chức năng đã lập đường dây nóng, bố trí lực lượng phản ứng nhanh song cũng chưa thể xử lý tận gốc tình trạng chèo kéo, đeo bám và “chặt chém” diễn ra nơi này, nơi khác.

Không chỉ riêng khách du lịch quốc tế, ngay cả du khách nội địa, cũng dễ gặp phải một vài hạt sạn trong thái độ, ứng xử thiếu văn hóa. Làm du khách hài lòng, dễ chịu, đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay góp sức của mọi ngành, mọi người dân, từ người lái taxi, “xe ôm”, xích lô cho tới người bán hàng trên vỉa hè. Oái oăm là, để du khách có được cảm tình thật không mấy dễ dàng, nhưng để họ mất cảm tình, khó chịu thì chỉ cần một cử chỉ, hành vi, thái độ bất nhã, thiếu văn hóa. 

Để Hà Nội đẹp dần trong mắt du khách nước ngoài, kể cả khách trong nước, không đòi hỏi phải đầu tư tốn kém như nâng cấp hạ tầng du lịch. Nâng cao văn hóa phục vụ mới là việc cấp bách cần làm ngay. Tuy nhiên, cũng không nên coi những việc làm, đối xử với du khách là để “ghi điểm”, lấy lòng họ. Đó phải là một lẽ tự nhiên, một nếp sống thường ngày của mỗi người dân Hà Nội. Khách đến nhà mình chơi, chủ nhà nên dành những điều tốt đẹp nhất cho khách. Sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung vốn là cái gốc văn hóa bền chắc trên mảnh đất Thăng Long – Hà Nội từ hàng nghìn năm nay.