Đèo “vua” huyền thoại

ANTĐ - Nửa thế kỷ trước, hơn 8 vạn người Mông thuộc 4 huyện ở phía sau các dãy núi hùng vĩ của cao nguyên Đồng Văn không có khái niệm “con đường”. Bao đời họ chỉ biết vượt Mã Pí Lèng bằng cách đóng cọc treo dây trên vách đá để bò qua những đỉnh núi dựng đứng, lởm chởm đá tai mèo. Dốc Chín Khoanh leo tới đỉnh Mã Pí Lèng còn gọi là con dốc của Giàng (Trời).

Năm 1959, Trung ương Đảng và Khu ủy Việt Bắc quyết định mở tuyến đường huyết mạch Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Sau khi hoàn thành, Đèo Mã Pí Lèng tuy không dài nhưng là con đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía Bắc và cũng được ví như “vua” của các con đèo Việt Nam. Cung đường đèo ban đầu được mở chỉ đủ rộng chỗ cho người đi bộ và xe ngựa thồ, về sau được mở rộng hơn cho ô tô nhưng vẫn rất nguy hiểm vì những đoạn cua tay áo và mặt đường lổn nhổn đá hộc, hai ô tô rất khó tránh nhau. Trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, cũng là nơi cao nhất của đường Hạnh Phúc nhìn xuống dòng sông Nho Quế, hiện có một trạm dừng chân cho du khách ngắm cảnh và tại đây đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn trong quá trình xây dựng đường đèo.

Mã Pí Lèng mang cái danh “Vua” hiểm trở như vậy nhưng lại có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với tất thảy người yêu du lịch, những người đam mê “phượt bụi” Việt Nam. Có lẽ một phần cũng chính bởi cái cảm giác lướt đi trên con đường cao chênh vênh uốn lượn giữa lưng trời này đem lại một cảm giác mạo hiểm, hồi hộp khó quên đối với những trái tim đam mê khám phá. Nhưng điểm hấp dẫn hơn cả đối với dân “xê dịch” là bởi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ trùng điệp của một vùng núi đá trập trùng. Đi trên con đèo cao như chạm vào mây ấy rồi nhìn xuống bên dưới, dòng sông Nho Quế như một con rắn lục dài bất tận, uốn lượn, trườn dưới đá. Giữa không gian hun hút trời mây của con đèo và thăm thẳm vực sâu nơi dòng Nho Quế ấy, những mái nhà bé xíu cứ như in vào với màu xám xanh đá núi. Những nét chấm phá mang dấu ấn cuộc sống con người nơi vùng cao này như khắc vào nỗi nhớ của những người yêu du lịch một thứ tình cảm đặc biệt không thể nào quên. 

Thật chẳng tự nhiên mà rất nhiều người đam mê “xê dịch” mong một lần được đặt chân lên Cao nguyên đá rồi thả hồn vào không gian ngút ngàn bất tận của núi, của sông và của con đèo “Vua” huyền thoại này.