Đền thờ Ngọc Hoàng

(ANTĐ) - Dáng vẻ tĩnh mịch, trầm uy của đền Đậu An (xã An Viên-Tiên Lữ-Hưng Yên) không khác nhiều với những ngôi đền ở các làng quê Việt. Nhưng khi tìm hiểu về lịch sử và kiến trúc của ngôi đền, người ta ngỡ ngàng khi biết rằng: ngôi đền này là nơi duy nhất tại Việt Nam thờ Ngọc hoàng Thượng đế cùng các thiên thần và cũng là ngôi đền có kiến trúc đặc biệt khi chất liệu tạo nên ngôi đền được tạc nên từ những khối đá nguyên khối.

Đền thờ Ngọc Hoàng

(ANTĐ) - Dáng vẻ tĩnh mịch, trầm uy của đền Đậu An (xã An Viên-Tiên Lữ-Hưng Yên) không khác nhiều với những ngôi đền ở các làng quê Việt. Nhưng khi tìm hiểu về lịch sử và kiến trúc của ngôi đền, người ta ngỡ ngàng khi biết rằng: ngôi đền này là nơi duy nhất tại Việt Nam thờ Ngọc hoàng Thượng đế cùng các thiên thần và cũng là ngôi đền có kiến trúc đặc biệt khi chất liệu tạo nên ngôi đền được tạc nên từ những khối đá nguyên khối.

Hoành phi, cột và câu đối bằng đá

Ngôi đền có niên đại 2.200 năm

Theo truyền thuyết, đền có từ thuở khai thiên lập địa thờ Ngũ lão tiên ông xuống trần khai khẩn đất hoang, dạy dân chúng biết săn bắn, hái lượm, diệt trừ thú dữ và còn dạy dân chúng vùng đồng bằng sông Hồng biết làm lúa nước. Đền Đậu An chính thức được ghi tên vào lịch sử với tên gọi là Thụy Ứng Quán vào năm 226 trước Công nguyên. Sau khi nhân dân đến Quán thắp hương, xin lộc thấy ứng đã chung tay góp tiền xây dựng Quán dần trở thành một quần thể di tích với tên gọi đền Đậu An thờ Ngọc Hoàng. Kiến trúc của ngôi đền được xây theo lối kíến trúc cổ hình chữ Đinh và được làm phần nhiều từ gỗ lim. Nhưng riêng tại Cung đệ nhất và đệ nhị của tòa chính lại được làm bằng đá từ cột trụ, câu đối, hoành phi cho tới bức tường. Trải qua bao thế kỷ, những hạng mục này vẫn đứng vững theo thời gian.

Đền Đậu An không chỉ nổi tiếng với kiến trúc độc đáo và bề dầy lịch sử mà phần lễ hội hàng năm cũng có nhiều điều thú vị và khác biệt. Bắt đầu từ năm 1664, lễ hội mới bắt đầu được mở và từ đó đến nay, tục lệ này được tổ chức hàng năm. Cảnh đánh hổ được diễn ra vào ngày mùng 8-4 âm lịch vô cùng hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người tham dự.

Cần có một quy hoạch trùng tu tổng thể

Tháp cổ bằng đất nung

Trong đền có một ngọn tháp 9 tầng bằng đất nung, hoa văn theo lối Chămpa mà theo truyền thuyết, đây là nơi thăng giáng của Ngọc Hoàng khi xuống đền Đậu An. Ngọn tháp có niên đại từ thời nhà Trần và đã được trùng tu vào năm 1664. Ngoài ra, ngôi đền còn có tấm bia từ thời Hậu Lê ghi công đức của các du khách có tấm lòng hảo tâm và một chiếc khánh đá cổ. Đặc biệt, có nhiều bức tượng thiên thần cổ hiện đang vẫn được lưu giữ tại cung cấm.

Trước khi ngôi đền được Bộ VH-TT&DL công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1989, thì một phần của ngôi đền đã bị phá đi làm trường học tạm và điện chính trở thành hội trường của xã. Sau khi được công nhận là di tích cấp quốc gia, ngôi đền mới được trung tu phần tháp cổ 9 tầng vào năm 2001. Nhưng, theo ông Nguyễn Ngọc Bình - Trưởng ban Quản lý di tích thì hình dáng chưa được khôi phục như hiện trạng ban đầu. Trong khi đó, rất nhiều hạng mục khác của đền Đậu An đã xuống cấp nghiêm trọng như trong 3 gian tòa đá và hậu cung đã lún nứt chỉ dùng cột để chống đỡ. Các mái ngói cũng đã dột nát, các cột và vì kèo đã bị mối ăn.

Tuy đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền xã nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Bình: “Nguồn kinh phí để tôn tạo di tích lại chủ yếu được huy động từ du khách thập phương và bà con trong thôn xóm hoặc các nhà hảo tâm đóng góp. Ông Ngô Phi Hùng một doanh nhân đang sinh sống và làm việc tại Liên bang Nga đã cúng tiến 200 triệu đồng để sắm đồ lễ và xây lại nhà Mẫu.

Ông Đỗ Anh Bốn đã xây dựng 3 tòa tẩm, xây dựng lại giếng trước cổng đền trị giá ngót nghét 200 triệu đồng”. Tuy vậy, một di tích lịch sử cấp quốc gia đã xuống cấp cần có một quy hoạch tổng thể trước khi bắt tay vào trùng tu. Việc trùng tu không thể chỉ dựa vào nguồn kinh phí của các tổ chức và cá nhân. Rất mong những người có trách nhiệm hãy cứu lấy ngôi đền quý, đừng để nó bị tàn phế trước sự tàn phá của thời gian và con người.

Phạm Thu Hương