Đến Olympic bằng nghị lực phi thường

ANTĐ - Không ai có thể nghĩ được rằng, một người từng bị chẩn đoán mắc căn bệnh quái ác lao xương cột sống; bắt buộc phải chia tay bộ môn thể dục dụng cụ nếu không muốn bị liệt, nhưng sau tất cả bằng niềm đam mê và nghị lực phi thường, Phạm Phước Hưng đã vượt qua số phận để thỏa mơ ước được thi đấu tại sân chơi lớn nhất hành tinh - Olympic.

Chiến thắng bệnh tật, Phạm Phước Hưng hai lần góp mặt tại ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh

Chiến thắng bệnh tật

7 tuổi, cậu bé gốc Hà Nội Phạm Phước Hưng bắt đầu làm quen với bộ môn thể dục dụng cụ (TDDC) qua sự động viên của bố mẹ. Sự khích lệ đó không phải không có nguyên do bởi cậu học sinh trường Tiểu học Ba Đình sớm gây ấn tượng với các thầy cô bởi khả năng ép dẻo, đu xà đúng kỹ thuật mà không hề đau đớn như đa số bạn bè đồng trang lứa.

Đằng đẵng gần 1 năm luyện tập, Phạm Phước Hưng đã được lựa chọn đưa sang Nam Ninh (Trung Quốc) tập huấn dài hạn. Dấu mốc này đánh dấu khoảnh khắc Hưng chính thức bước vào con đường thể thao chuyên nghiệp. Năm 2002, trở về quê hương tham dự Đại hội TDTT toàn quốc, Phước Hưng đoạt HCV. Cùng năm đó, VĐV của Hà Nội đã có ngay chức vô địch SEA Games đầu tiên tại giải đấu tổ chức trên quê nhà.

Giữa lúc sự nghiệp bắt đầu thăng hoa thì bỗng dưng đến năm 18 tuổi, Phước Hưng được chẩn đoán mắc bệnh lao xương cột sống. Phạm Phước Hưng kể lại: “Kết quả kiểm tra cho thấy 2 đốt sống lưng của tôi bị ăn mòn hơn nửa, cột sống bị vẹo vào trong. Các bác sĩ khuyên tôi nên nghỉ tập nếu không muốn bị liệt nửa người”.  

Thời điểm đó, VĐV sinh năm 1988 phải nghỉ luyện tập để điều trị bởi các cơn đau ngày một dày và nặng hơn, đến giấc ngủ hàng đêm cũng muôn vàn khó khăn khi buộc phải nằm co tròn. Một năm trôi qua.

Ngắn ngủi vậy nhưng 365 ngày đó thực sự là nỗi ám ảnh với người trong cuộc, những cơn đau kéo dài, chống chọi với bệnh tật, kiên trì vận động hồi phục với một mục đích: “Không bỏ cuộc để hoàn thành giấc mơ còn dang dở”. Thế rồi, bằng nghị lực phi thường… “Sau một thời gian điều trị, bác sĩ cho biết vi khuẩn lao đã hết song vẫn yêu cầu tôi phải dùng thuốc thêm vài tháng. Tôi quyết định đi tập trở lại. Lúc đó mơ ước của tôi là được đến Olympic và tôi muốn cho mọi người thấy tôi có thể làm được điều đó”, Phước Hưng nhớ lại.

Xác lập những kỷ lục

Ngay sau ngày trở lại, Phước Hưng rất nhanh chóng lấy lại phong độ và đoạt ngay 1 HCV, 2HCB SEA Games 2007 tổ chức tại Thái Lan trước sự trầm trồ thán phục của bất kỳ ai biết “câu chuyện bênh tật” của Hưng. Liên tục sau đó là những tấm huy chương quốc tế danh giá đưa chàng trai gốc Hà Nội trở thành nam VĐV giàu thành tích nhất TDDC Việt Nam.

Năm 2012, Phước Hưng hoàn thành giấc mơ cuộc đời khi góp mặt tại Olympic tổ chức tại London, Vương quốc Anh. Nhưng bệnh tật vẫn chưa buông tha, một năm sau đó Phước Hưng lại  phải đối mặt với thử thách khi được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi nặng. Kết luận cuối cùng được đưa ra là nên chấm dứt tập luyện môn thể thao nặng nhọc này.

Cái vòng luẩn quẩn đỉnh cao - bệnh tật - nghỉ tập - nỗ lực - vượt qua lại bám lấy Hưng. Sau hơn nửa năm điều trị, anh đã trở lại sàn đấu đầy mạnh mẽ. Tại vòng tuyển chọn Olympic 2016 vừa qua, với số điểm 84,032 nội dung toàn năng, Phước Hưng đã giành vé đến Brazil và đưa anh trở thành nam VĐV TDDC duy nhất Việt Nam hai lần liên tiếp dự Olympic.

Cũng trong năm 2016, Phước Hưng còn nhận một tin vui đặc biệt khi được Liên đoàn Thể dục thế giới (FIG) đặt tên cho một động tác mà anh sáng tạo ở nội dung vòng treo. Động tác này được Hưng đăng ký thực hiện sau khi gửi clip và mô tả cho Ban tổ chức giải TDDC Vô địch thế giới 2015 tại Anh. Sau giải đấu, FIG công bố 8 động tác mới được thông qua và đưa vào hệ thống kỹ thuật thi đấu, trong đó có động tác của Hưng và được FIG đặt tên là “Pham”.

Nói về mục tiêu sắp tới, Phước Hưng chia sẻ: “Olympic 2016 là kỳ Thế vận hội thứ hai và nhiều khả năng là cuối cùng của tôi. Hy vọng trong kỳ Olympic này, tôi có thể làm được những điều 4 năm trước chưa hoàn thành, đó là giành huy chương. Sau đó, tôi sẽ phấn đấu trở thành một HLV để tiếp tục được gắn bó với TDDC”.