Đến Hội sách thiếu nhi, mua sách cho người lớn

ANTĐ - Hội sách Thiếu nhi 2016 với chủ đề “Hè vui - Sách hay” lần đầu tiên được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám thể hiện sự đặc biệt quan tâm của Hà Nội trong việc tạo ra sân chơi văn hóa dành riêng cho lứa tuổi nhỏ. Đây cũng là dịp đánh giá và tìm ra hướng đi cho thị trường sách thiếu nhi, vốn bị xem là kém phát triển và ít được đầu tư. 

Vẫn là sự chiếm lĩnh của các tác phẩm  nước ngoài

Nở rộ sách giáo dục 

Cái nắng gay gắt lên tới 37 độ C ở Hà Nội không ngăn bước chân của đông đảo học sinh cũng như các bậc phụ huynh đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong ngày khai mạc Hội sách Thiếu nhi, 1-6. Hội sách được tổ chức đúng Ngày Quốc tế Thiếu nhi, cũng là thời điểm hầu hết các trường học đã nghỉ hè, nên trẻ em có thời gian thoải mái để đến đây, lựa chọn các đầu sách mình yêu thích.

Em Nguyễn Thị Hoàng Giang, học sinh lớp 10 trường THPT Lý Thái Tổ cho biết: “Biết thông tin về hội sách qua ti vi, em đã đến đây để tìm mua những quyển sách về phương pháp học tập, cũng như những cuốn truyện phiêu lưu. Mặc dù hay đọc sách của NXB Kim Đồng nhưng em cũng tìm được nhiều đầu sách hay từ các đơn vị khác”. 

Xác định hội sách để phục vụ nhu cầu đọc cho các em nhỏ, ngoài việc áp dụng các mức giá ưu đãi cũng như mở bán sách đồng giá, các đơn vị xuất bản cũng lựa chọn, sàng lọc những đầu sách mới và phù hợp với khả năng tiếp nhận và thị hiếu từng lứa tuổi. Tại các gian hàng của NXB Kim Đồng, NXB Phụ nữ, Thaihabooks, Alphabooks, Nhã Nam, Huyhoang Books, Nhà sách Tân Việt…, có thể thấy các đầu sách giáo dục, sách dạy kỹ năng cho trẻ chiếm số lượng lớn.

Ngoài sách rèn luyện tư duy với các hình thức câu đố, trắc nghiệm bằng hình ảnh dành cho các em đang độ tuổi đến trường, chiếm phần lớn trong các sạp sách là các đầu sách giáo dục do chính các bậc phụ huynh chấp bút. Có thể kể ra một số sách đã gây được tiếng vang trong thời gian qua như “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” (tác giả Hồ Thị Hải Âu), “Con nghĩ đi, mẹ không biết” (Thu Hà), “Để con được ốm” (Uyên Bùi - BS. Trí Đoàn) …

Có thể thấy, các đơn vị xuất bản, các nhà sách đã nhận thấy tiềm năng lớn của dòng sách này. Thay vì sách viết cho các em nhỏ, thì nhiều đơn vị xuất bản đã chuyển dịch sang dòng sách dành cho các bậc phụ huynh, chia sẻ các kỹ năng giáo dục, ứng phó với những thay đổi tâm sinh lý, chăm sóc sức khỏe cho trẻ… 

“Khoảng trống lớn” sách văn học

Đó là điều mà người ta dễ nhận thấy không chỉ ở hội sách thiếu nhi lần này, mà trong nhiều sự kiện về sách trước đây. Nhiều năm qua ở Việt Nam  chỉ xuất hiện một vài cây bút viết cho thiếu nhi, nên dù nhu cầu đọc cao, nhưng các em vẫn thường phải tìm đến những đầu sách cũ, hoặc sách của nước ngoài.

Chị Hoàng Thị Hồng, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội tâm sự: “Sách thiếu nhi của các tác giả mới trong nước gần như không có, chủ yếu là các tác giả thế hệ trước như Tô Hoài hay Vũ Tú Nam…Gần đây tôi thấy đã có thêm sách văn học cho thiếu nhi nhưng lại tập trung chủ yếu vào phần thơ. Chẳng hạn như tập “Ra vườn nhặt nắng” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh được các bậc phụ huynh rất quan tâm”.

Cũng theo nhận định của chị Hồng thì các tác giả viết cho thiếu nhi không phải là không có, nhưng cái khó của họ là tìm được nơi chấp nhận in sách. Bởi trên thực tế, các NXB cũng phải tính đến giá trị kinh doanh, nên một khi đã đồng ý xuất bản thì sẽ lựa chọn các đầu sách thiếu nhi dịch từ nước ngoài, mà khi bán ra sẽ đảm bảo hơn về mặt doanh thu. Minh chứng là những series ngoại nhập như “Nhóc Nicholas” hay “Nhật ký cậu bé nhút nhát” với cốt truyện đơn giản, hài hước khá “được lòng” độc giả trong nước.  

Ông Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, trong chỉ tiêu về mức hưởng thụ sách bình quân của Việt Nam hiện nay (xấp xỉ 4 bản sách/người/năm) thì tỉ lệ sách giáo dục và sách tham khảo vẫn chiếm phần lớn.

Bởi vậy, mức hưởng thụ sách của thiếu nhi còn thấp. “Tôi cho rằng, vấn đề ở đây nhà xuất bản phải có một đội ngũ những tác giả viết cho thiếu nhi và thường xuyên chăm lo, có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng đối với họ. Thực tế mức đãi ngộ này rất thấp, không khuyến khích tác giả sáng tác. Ở nhiều nước, họ có quỹ hỗ trợ sáng tác dành cho các tác giả, đây chính là động lực cho sự ra đời những tác phẩm có chất lượng ”.