Đến hẹn, lại “nhồi”

ANTĐ - Sáng nào cũng vậy, để gọi được cậu con trai 8 tuổi dậy đúng giờ để đến lớp học thêm đối với chị Lê Anh (ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) chẳng khác nào đánh vật. “Con ở nhà thì không có ai trông, cho đi học thì khóc lóc, mếu máo. Thú thực, nhiều lúc tôi cũng cảm thấy mệt mỏi” - chị Lê Anh thở dài.

Khổ vì học hè
Đến hẹn, lại “nhồi”  ảnh 1
“Ngay khi còn chưa kết thúc năm học, tại khu vực quanh cổng trường xuất hiện khá nhiều tờ rơi quảng cáo các lớp học hè, các khóa học bơi, học múa, học nhạc... Trong các tờ rơi này, không ít trung tâm còn tung ra các chiêu khuyến mại hấp dẫn: Trọn gói dành cho các lớp tiểu học gồm các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ từ 8-11h với mức học phí  500.000 đồng/môn/ tháng (3 buổi/tuần). Giảm giá 50% cho 20 trường hợp đăng ký đầu tiên. Trung tâm có lớp nhận trông trẻ ngoài giờ học (với những trường hợp cha mẹ chưa đón kịp) với mức 20.000 đồng/giờ. Tôi được biết, không chỉ các học sinh cuối khóa, với những học sinh từ lớp 2, 3, 4 hay các lớp 6, 7, các bậc cha mẹ cũng cấp tốc tìm nơi để cho con học để ôn luyện kiến thức hay chuẩn bị thi vào trường chuyên. Do đó, tôi cũng đã đăng ký cho cậu con trai học thêm 4 buổi/tuần. Hầu như ngày nào đi học cháu cũng vùng vằng, phụng phịu, đến lớp thì không tập trung. Khi bị bố mẹ nhắc nhở, cháu quay ra lý sự: “Hè là được nghỉ, được đi chơi, sao mẹ cứ bắt con học. Con không thích, không học!” - chị Lê Anh cho biết thêm. Trong hoàn cảnh tương tự, tuy mới học lớp 6 nhưng những ngày hè của em Nguyễn Thu Trang (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) lại bận rộn hơn nhiều so với trong năm học. Sau khi nghỉ xả hơi được… 3 ngày, Trang đã được bố mẹ lên một lịch học dày đặc. Thứ hai, thứ ba học thêm Văn ở trung  tâm, thứ tư, thứ năm học thêm Toán ở nhà thầy, thứ sáu học Anh văn lò luyện, hai ngày cuối tuần ôn tập và làm bài về nhà. Những bức xúc xung quanh câu chuyện về học hè này không chỉ biểu hiện ở sự hậm hực, âm ỉ ở từng em mà nó còn được bày tỏ công khai trên các trang mạng xã hội. “Nghỉ hè mà bắt người ta học thì làm sao mà học được, ai chả thích đi chơi… cấm được… bố mày à”… Đó là những dòng “tâm sự” với lời lẽ thiếu đạo đức đối với mẹ và bà ngoại của nữ sinh tên Q.A trên Facebook. Nguyên nhân là do mẹ và bà ngoại của Q.A bắt cô bé đi học thêm hè và làm việc nhà. Tuy không ai đồng tình, hưởng ứng đối với thái độ xấc láo này nhưng điều khiến người ta suy ngẫm chính là tình trạng ép con học thêm mỗi dịp hè khiến trẻ bị căng thẳng nên đã có những phát ngôn và hành vi tiêu cực.  Trong dịp hè, việc cho trẻ học hè ở nhà thầy, cô vẫn là sự lựa chọn hàng đầu đối với nhiều phụ huynh. Anh Hoàng Nam ở phố Kim Mã Thượng, quận Ba Đình chia sẻ: “Tôi cho con đến học tại nhà cô vì ở đây cháu vừa học thêm được kiến thức lại vừa có người quản lý, bố mẹ có đưa đón muộn một chút cũng không vấn đề gì. Đặc biệt, trong quá trình học, chẳng may cháu có bị ốm hay sốt cô còn kịp thời thông báo đến gia đình. Dù biết cho con học hè hiệu quả không cao nhưng ít nhất khi đi làm vợ chồng tôi cũng yên tâm phần nào. Thôi thì được đến đâu hay đến đó”.Lợi bất cập hại
Đến hẹn, lại “nhồi”  ảnh 2
Đối với trẻ, chơi cũng là học
Bà Nguyễn Thanh Thảo - giáo viên dạy Văn cấp 2 tại quận Tây Hồ cho rằng, trước khi cho con tham gia bất cứ môn học gì, các bậc phụ huynh phải hiểu được khả năng của con để có kế hoạch học tập hợp lý. Thông thường, đối với học sinh tiểu học, khi bị “bắt” học hè, các em thường ít có phản ứng vì còn quá nhỏ, nhưng với những em học sinh cấp 2, cấp 3, điều này không đơn giản. Nếu bố mẹ cố tình ép con theo kiểu ra lệnh, trẻ sẽ dễ có hành vi chống đối tiêu cực. Ngoài ra, nếu cha mẹ chỉ chú trọng “nhồi” kiến thức mà không chú ý đến việc giáo dục đạo đức cho con thì chắc chắn sẽ không thể thu được kết quả như mong đợi. Còn theo Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú, việc một số phụ huynh quá tham vọng, buộc trẻ phải biết rất nhiều kỹ năng khác nhau, học hết cái này đến cái khác là điều không nên. Với độ tuổi mầm non, cấp 1, việc học thêm, học quá sức sẽ dẫn đến những tổn thương não trẻ. Những ngày hè không nên bắt trẻ tham gia “học kỳ thứ 3”. Đây là thời gian dành cho trẻ em giải trí, phụ huynh đừng vin vào bất cứ lý do nào để tước mất quyền vui chơi của trẻ. Để trẻ phát triển tốt, các bậc phụ huynh nên để trẻ vừa học vừa chơi. Việc củng cố, ôn tập kiến thức cho con bằng một vài buổi học kiến thức là cần thiết song cha mẹ không nên bắt trẻ học trước chương trình. Hơn nữa, khi học hè, nếu giáo viên dạy không theo chuẩn thì khi vào năm học mới,  trẻ lại phải thay đổi phương pháp học nên rất khó để tiếp thu bài vở. 

Tin cùng chuyên mục