Đến 2025, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội đạt 8.300-8.500 USD, đến 2030 lên 13.000 USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Đảng bộ thành phố đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025 là đưa Hà Nội trở thành đô thị có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trình bày báo cáo chính trị tại đại hội

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trình bày báo cáo chính trị tại đại hội

Trình bày tóm tắt Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khoá XVI tại Đại hội đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 vào sáng nay, 12-10, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, báo cáo chính trị được chia làm 2 phần.

Về đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, với nhiều cách làm sáng tạo và quyết liệt, nỗ lực, đạt kết quả nổi bật, toàn diện.

Cụ thể, báo cáo chính trị nêu bật 14 nhóm kết quả đã đạt được, đồng thời cũng chỉ rõ 7 nhóm hạn chế, yếu kém chủ yếu trên các lĩnh vực công tác và 5 bài học kinh nghiệm lớn trong nhiệm kỳ vừa qua.

Theo đó, giai đoạn 2015-2020, kinh tế Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch tích cực; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh được cải thiện. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016-2020 ước tăng 7,39%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn gấp 1,64 lần giai đoạn 2011-2015…

Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị có chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả toàn diện, nổi bật.

Đến cuối năm 2020, có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,1%, hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra, dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Các công tác thát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ được đẩy mạnh. An sinh xã hội được đảm bảo. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh của thành phố tiếp tục được tăng cường, giữ vững và ổn định.

Quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển được mở rộng, tạo dấu ấn quan trọng, nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô trong khu vực và trên thế giới...

Dù vậy, Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong nhiệm kỳ 2015-2020, lĩnh vực phát triển kinh tế chưa tạo được các “đột phá lớn” và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, an toàn giao thông vẫn còn hạn chế.

Nhiệm kỳ tới, Hà Nội sẽ phát triển theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại

Nhiệm kỳ tới, Hà Nội sẽ phát triển theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại

Trên cơ sở đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, phần thứ hai của báo cáo chính trị đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và những trọng tâm phát triển Thủ đô giai đoạn 5 năm 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng những giải pháp chủ yếu, các khâu đột phá để quyết tâm thực hiện.

Cụ thể, mục tiêu tổng quát đến năm 2025 là xây dựng Đảng bộ thành phố Hà Nội có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.

Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, gồm 4 nhóm với 20 chỉ tiêu cụ thể. Một số chỉ tiêu chính như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025: 7,5-8,0%; Cơ cấu kinh tế năm 2025: Dịch vụ 65,0-65,5%; Công nghiệp và xây dựng 22,5-23,0%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4-1,6%. GRDP bình quân/người: 8.300-8.500 USD.

Báo cáo chính trị cũng nêu ra 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025, gồm:

Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu, kết nối liên thông, đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Phát triển nguồn nhân lực. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ.

Đồng thời, báo cáo chính trị cũng đề ra 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025, tương ứng với từng lĩnh vực phát triển kinh tế, quy hoạch, văn hóa…