Đề xuất ý tưởng xây dựng tổ hợp biểu diễn nghệ thuật truyền thống để phục vụ du lịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quảng bá văn hóa dân tộc và tìm kiếm doanh thu từ những chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống là mục tiêu của các nhà hát khi bắt tay với du lịch, phục vụ du khách. Điều đáng nói là, dù khoảng thời gian bắt tay vào thực hiện đã kéo dài vài năm nay nhưng lãnh đạo các nhà hát vẫn than khó.

Nhà hát Tuồng Việt Nam hàng tuần vẫn triển khai chương trình biểu diễn định kỳ thứ 2, thứ 5 phục vụ khách du lịch tại rạp Hồng Hà. Bên cạnh đó là chương trình biểu diễn tại phố cổ Hà Nội vào các ngày thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần. Theo đánh giá của du khách, đây là các chương trình có chất lượng, khán giả thích thú với các màn biểu diễn. Thế nhưng, việc bắt tay giữa các công ty du lịch và nhà hát Tuồng Việt Nam chưa đạt được kết quả như mong muốn, hầu như vẫn "giậm chân tại chỗ".

Ông Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, nguyên nhân của việc này là do cơ chế chính sách chưa thúc đẩy các công ty du lịch khai thác nhiều hơn các sản phẩm nghệ thuật. Du khách tới Việt Nam thường tham quan thắng cảnh là chính, bên cạnh đó họ mới chỉ tới với múa rối nước. Còn các loại hình nghệ thuật truyền thống khác chưa được các công ty quan tâm khai thác.

Một trích đoạn biểu diễn phục vụ khách du lịch của Nhà hát Tuồng Việt Nam

Một trích đoạn biểu diễn phục vụ khách du lịch của Nhà hát Tuồng Việt Nam

Trước đây, các đời Bộ trưởng Văn hóa, các tổng cục trưởng Tổng cục du lịch đều rất quan tâm tới vấn đề đưa nghệ thuật truyền thống vào khai thác du lịch. Nhiều cuộc tọa đàm, giải pháp tháo gỡ đã được đưa ra nhưng tình hình chưa thay đổi theo hướng khả quan. Đặc biệt, 2 năm đại dịch vừa qua, các nhà hát đều án binh bất động.

Là một đơn vị nghệ thuật của Trung ương, nhà hát Chèo Việt Nam đã có những khởi động khá ấn tượng khi bắt tay với các tour có khách Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu. Nhà hát đã chuẩn bị các chương trình có thời lượng từ 20 đến 30 phút, 50 phút, hoặc 1 tiếng tùy từng đối tượng hợp đồng. Đồng thời, nhà hát còn chuẩn bị sân khấu lớn, sân khấu nhỏ cho từng tour có số lượng khách đông hoặc vắng.

NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam chia sẻ, cái khó với nhà hát hàng đầu của ngành chèo này lại nằm ở phòng truyền thông. Tức là gặp khó ở vấn đề nhân sự marketting cần những người vừa am hiểu về nghệ thuật, có ngoại ngữ lại vừa làm quảng bá du lịch tốt. Hiện nay, nhà hát đang sử dụng nhân sự marketting theo lối có thế nào dùng thế đó nên chưa bắt nhịp được với thời đại.

Thứ hai, nhà hát Chèo Việt Nam gặp khó ở cơ sở vật chất kĩ thuật như trang web cần phải đầu tư về kinh phí, mới chỉ có tiếng Việt mà không có tiếng Anh, nếu hướng tới khách du lịch quốc tế thì quá lạc hậu.

"Muốn có trang web tốt đòi hỏi phải có kinh phí đầu tư. Nhà hát chưa chuyên tâm và cũng không có kinh phí làm việc đó. Nhà hát Chèo Việt Nam cũng đã bán vé trên trang web và fanpage của nhà hát. Cái khó là khi bán vé thì hệ thống không đồng bộ. Nhà hát mới chỉ tích chỗ và chuyển khoản giữ chỗ chứ không có việc bán online trực tiếp. Nếu số lượng đông, người mua phải xếp hàng cả trăm lượt để lấy vé đã đặt, sẽ làm chậm thời gian khai màn và biểu diễn. Việc không đồng bộ gây ra những khó khăn nhất định cho việc triển khai tour du lịch", NSND Thanh Ngoan nói.

Khách du lịch mặc thử trang phục biểu diễn của nghệ thuật tuồng

Khách du lịch mặc thử trang phục biểu diễn của nghệ thuật tuồng

NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam khẳng định, chất lượng nghệ thuật của các chương trình biểu diễn bán tour đều rất tốt. Không chỉ có múa rối mà chèo, tuồng đều làm rất chỉn chu, góp phần quảng bá văn hóa dân tộc tới bạn bè quốc tế. Cái khó của việc bắt tay với các công ty du lịch nằm ở khâu quảng bá cần phải có kinh phí và bài bản. Nhà hát Múa rối Việt Nam làm chưa giỏi, chưa tốt khâu này. Ban giám đốc nhà hát biết điều này nhưng để khắc phục thì không thể ngày một ngày hai.

Vừa qua, Tổng cục Du lịch và Vụ lữ hành đã hỗ trợ nhà hát múa rối tổ chức hội nghị khách hàng và biểu diễn giới thiệu chương trình cho các công ty lữ hành ngay tại địa điểm của nhà hát. Có rất nhiều công ty lữ hành du lịch tới tham dự buổi biểu diễn chào hàng này và đều có nhận xét rằng chương trình nghệ thuật quá hay, nếu không mang ra biểu diễn phục vụ khách du lịch thì quá thiệt thòi.

Tuy nhiên, các công ty lữ hành cũng đưa ra những yêu cầu riêng và những yêu cầu đấy cũng không kém phần "vất vả" cho nhà hát Múa rối Việt Nam, nếu thực hiện theo yêu cầu đó. Ví dụ như điểm đến hiện tại của nhà hát phải là một điểm đến ấn tượng, tạo nên một không gian quang cảnh thật đẹp, phải là nơi vừa phục vụ biểu diễn vừa đáp ứng nhu cầu ăn uống của khán giả tới xem.

Theo Giám đốc nhà hát Múa rối Việt Nam, thật khó để biến một nhà hát trở thành một nơi như mong muốn của các công ty lữ hành.

"Những gì mơ xa quá chúng tôi không thể làm được trong tầm tay của một đơn vị nghệ thuật biểu diễn. Bởi có rất nhiều những khó khăn để đáp ứng được nhu cầu hiện tại và tạo nên một điểm diễn như yêu cầu của họ. Cái mà công ty du lịch hướng tới là một nền công nghiệp mang tính giải trí và nghệ thuật chỉ là một phần ở trong đó, giống như chúng ta đi các nước khác, họ đầu tư rất bài bản và tạo nên những khu vui chơi giải trí lớn, trong đó nghệ thuật biểu diễn là một phần. Chúng tôi cũng muốn có một khu vui chơi giải trí hoành tráng như một số nước bạn nhưng với hoàn cảnh hiện nay, chúng tôi chỉ có thể cố gắng và nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất. Đó là đã sản xuất, dàn dựng nên những chương trình nghệ thuật hay, có chất lượng cao", NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam thẳng thắn chỉ ra, các nhà hát hiện nay không thể đáp ứng được nhu cầu của quá trình công nghiệp hóa sân khấu và đưa ra những sản phẩm du lịch thực sự. Việc bê nguyên si các trích đoạn kinh điển bị không ít du khách phàn nàn về nhịp điệu, tiết tấu chậm rãi và kéo dài lê thê. Vì thế, sản phẩm sân khấu chào bán theo tour tuyến cần phải được tính toán, đầu tư không ít tiền của nhưng vẫn giữ được khuôn vàng thước ngọc.

Ảnh vở "Cây gậy thần", một trong các tác phẩm phối hợp giữa Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam hướng đến phục vụ du lịch

Ảnh vở "Cây gậy thần", một trong các tác phẩm phối hợp giữa Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam hướng đến phục vụ du lịch

Ở nước ngoài có những trung tâm nghệ thuật biểu diễn tập hợp được các loại hình nghệ thuật truyền thống và đặc sắc của mỗi nước thành một chương trình. Do vậy, NSND Triệu Trung Kiên mạnh dạn đề xuất ý tưởng xây dựng một tổ hợp vui chơi giải trí nghệ thuật tập hợp được nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam. Trước tiên nó cần có địa điểm để đầu tư đàng hoàng, để có một không gian lý tưởng cho nghệ thuật biểu diễn, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cho đến vui chơi giải trí và cả ăn uống của khán giả. Trong đó có các đơn nguyên của các loại hình nghệ thuật. Và mỗi loại hình nghệ thuật phải có một sản phẩm dành cho du lịch và được tính toán rất kỹ.

"Chúng tôi mong muốn có một tổng chỉ huy của cấp trên, nếu cứ để tuồng, chèo, cải lương và nghệ thuật truyền thống mạnh ai người ấy làm, khách du lịch quốc tế sẽ rất khó để lựa chọn xem từng loại hình nghệ thuật, bởi họ không thể có nhiều thời gian. Vì vậy, mô hình tổ chức ra một tổ hợp trung tâm nghệ thuật là điều vô cùng quan trọng để đáp ứng nhu cầu của khán giả", NSND Triệu Trung Kiên nhấn mạnh.

Ý tưởng này của NSND Triệu Trung Kiên được lãnh đạo các nhà hát khác của trung ương tán thành. Và tất nhiên, để làm được việc này, vai trò điều tiết của nhà nước là vô cùng quan trọng. Để có tổ hợp nghệ thuật này thì còn phải có kinh phí.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, ông đã xem 2 tour nghệ thuật của Thâm Quyến (Trung Quốc) tại khu trung tâm giải trí nghệ thuật có đầy đủ các dịch vụ, có các show diễn. Khi đã vào đây, du khách không phải đi xem ở bên ngoài nữa và cũng không phải đi xa.

"Theo tôi, có một tổ hợp giải trí mà trong đó có các đơn nguyên nghệ thuật truyền thống là vô cùng lý tưởng. Nhưng sản phẩm này phải tính toán rất kỹ lưỡng, phải có sự đầu tư cả về trí tuệ và quảng bá", ông Phạm Ngọc Tuấn nói.

NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho rằng, phải có một tổng chỉ huy để tạo nên sức bật cho nghệ thuật truyền thống phát triển. Chiến lược quảng bá, chiến lược marketing hiện nay chúng ta không hề quan tâm, cần có sự điều phối giữa các loại hình nghệ thuật để tạo nên tính hấp dẫn và đa dạng.

NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò của nhà nước trong việc bán các sản phẩm nghệ thuật cho du lịch. Bởi đã đặt nhiệm vụ giúp đỡ cho các nhà hát bắt tay với du lịch thì bộ Văn hóa phải vào cuộc và cơ quan Chính phủ cũng phải vào cuộc, truyền thông là đầu mối, bên cạnh đó là sự đầu tư kinh phí không thể như hiện nay.