Đề xuất thu 1.000 đồng/xe phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Tài chính vừa có tờ trình trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Thu theo cơ chế giá hay phí?

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Với phương án 1, sẽ thu theo quy định pháp luật về giá. Cụ thể, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá sẽ được bổ sung dịch vụ sử dụng đường cao tốc theo hướng giao Bộ trưởng Bộ GTVT quy định giá tối đa dịch vụ sử dụng đường cao tốc đối với đường do Trung ương quản lý; UBND cấp tỉnh quy định giá tối đa dịch vụ sử dụng đường cao tốc đối với đường do địa phương quản lý.

Như vậy, với phương án này, dịch vụ sử dụng đường cao tốc (kể cả cao tốc do Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư) đều áp dụng thống nhất phương thức thu phí dịch vụ (theo cơ chế giá).

Phương án 2, thu theo quy định pháp luật về phí, lệ phí.

Với phương án này, Chính phủ sẽ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Danh mục phí, lệ phí tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí gồm: phí sử dụng đường bộ sẽ do Bộ Tài chính quy định và phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí đối với đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ do Chính phủ quy định.

Thu phí dịch vụ đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ bổ sung ngân sách để duy tu, bảo dưỡng, đầu tư mới đường cao tốc

Thu phí dịch vụ đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ bổ sung ngân sách để duy tu, bảo dưỡng, đầu tư mới đường cao tốc

Trong 2 phương án trên, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 1, tức là thu theo quy định pháp luật về giá. Theo đó, sẽ đồng bộ về mức thu phí dịch vụ các dự án BOT liền kề; tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo các hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn liên doanh... qua đó giúp thu hút nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng đường bộ.

Trong khi đó, nếu quy định thu phí sử dụng đường cao tốc theo phương án 2, tức là theo pháp luật về phí, lệ phí thì mức thu phí sử dụng đường cao tốc sẽ thấp hơn mức phí dịch vụ. Điều này đi ngược với nguyên tắc khi kêu gọi vốn xã hội hóa là mức giá dịch vụ sẽ bù đắp chi phí và lợi nhuận của nhà đầu tư.

Thu 1.000 – 1.500 đồng/xe

Về mức giá, Bộ Tài chính và Bộ GTVT thống nhất dự kiến thu từ 1.000 - 1.500 đồng/xe/km (mức cụ thể sẽ được Bộ GTVT hoặc Chính phủ quyết định sau khi nghị quyết được thông qua). Thời gian dự kiến áp dụng ngay trong năm 2020.

Theo tờ trình của Bộ Tài chính, mạng lưới đường bộ Việt Nam đang khai thác dài 668.750 km. Trong đó, đường cao tốc có 16 tuyến, dài 968,7 km. Theo Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, mạng đường bộ cao tốc sẽ gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km.

Như vậy, tỷ lệ tuyến đường cao tốc hiện có so với quy hoạch mới đạt khoảng 15%. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng đường cao tốc đòi hỏi lượng vốn rất lớn, trong khi nguồn lực nhà nước còn hạn chế.

Cụ thể, suất đầu tư đường cao tốc 4 làn khoảng 130 tỉ đồng/km, 6 làn khoảng 190 tỉ đồng. Đặc biệt, chi phí bảo trì đường cao tốc khoảng 830 triệu đồng/km/năm, trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho công tác quản lý, bảo trì hằng năm chỉ đáp ứng khoảng 35 - 40% nhu cầu tối thiểu, dẫn đến tình trạng chất lượng đường xuống cấp nhanh... Vì vậy, cần bổ sung quy định thu phí (hoặc giá) dịch vụ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc do nhà nước đầu tư.

Theo tính toán của Bộ GTVT trên cơ sở phân tích dữ liệu sử dụng 5 tuyến đường cao tốc hiện hành, kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian của phương tiện cho thấy, so với lưu thông tuyến trên quốc lộ song hành, phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc sẽ được lợi bình quân theo xe đơn vị là 2.518 đồng/km/xe tiêu chuẩn. Như vậy, nếu phải nộp phí khoảng 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì chủ phương tiện vẫn hưởng lợi khoảng 1.500 đồng/km.

Về tác động đối với ngân sách, Bộ Tài chính tính toán với tổng chiều dài 196 km (tổng chiều dài các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư tính đến nay), nếu thực hiện thu phí dịch vụ đường cao tốc với mức thu là 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì dự kiến hằng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỉ đồng. Đây là nguồn vốn quan trọng bổ sung cho việc đầu tư cải tạo hệ thống đường cao tốc hiện hành, cũng như bổ sung vốn đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc mới.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với đề nghị của Bộ Tài chính tại tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: GTVT, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.HCM khẩn trương có ý kiến về đề xuất của Bộ Tài chính, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp. Bộ Tư pháp khẩn trương tổ chức thẩm định hồ sơ dự án Nghị quyết theo đề nghị của Bộ Tài chính theo quy định.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của các Bộ, cơ quan, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm thống nhất với các nội dung dự án giao thông đường bộ (sửa đổi) Chính phủ đã báo cáo Quốc hội; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/10/2020.