Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều chuyên gia đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết hành vi hút thuốc lá, nhưng việc tăng thuế cũng phải đi kèm các biện pháp phi thuế để tránh gia tăng thuốc lá lậu.

Cần nghiên cứu lộ trình tăng thuế thuốc lá

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nhằm hạn chế tiêu dùng thuốc lá là việc làm cần thiết.

Tuy nhiên, việc tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá nên có lộ trình để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có thể điều chỉnh, sắp xếp bố trí hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo vừa ổn định sản xuất, vừa đóng góp nguồn thu cho NSNN, vừa hạn chế thuốc lá lậu, tránh thất thu thuế, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Lộ trình này cần cân nhắc cả về thời gian và mức thuế điều tiết.

“Chúng tôi cho rằng phương án sửa đổi nên theo lộ trình: 2 năm đầu thực hiện phương pháp thuế hỗn hợp - tương đối và tuyệt đối, bên cạnh thuế suất 75% có thể tăng thêm mức thuế tuyệt đối từ 1.000 đồng/bao.

Tiếp đến sẽ nâng dần theo lộ trình 2 năm tiếp theo nâng từ 1.000 đồng/bao lên 1.500 đồng/bao. Từ năm thứ 5 sẽ điều chỉnh tăng 2.000 đồng/bao”, bà Cúc nói.

Bà Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, phương thức đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá trên thế giới khá đa dạng (theo tỷ lệ phần trăm, thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp). Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ áp dụng phương thức đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá theo tỷ lệ phần trăm.

Trong khi đó, phương thức đánh thuế theo mức tuyệt đối và đặc biệt là phương thức đánh thuế hỗn hợp hiện đang được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia do lợi ích mang lại của phương pháp này. Bà Vân cũng khuyến nghị việc tăng thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp cần có lộ trình để đảm bảo số thuế tuyệt đối tăng qua các năm cần tương ứng với tốc độ lạm phát.

Các chuyên gia đề xuất có lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá

Các chuyên gia đề xuất có lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá

Cẩn trọng nguy cơ gia tăng thuốc lá lậu

Theo TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, thống kê các năm qua cho thấy, số lượng thuốc lá tiêu thụ về cơ bản không giảm, buôn lậu tăng, thu ngân sách về cơ bản không tăng nhưng lại tăng thất thu thuế; giảm doanh thu ngành sản xuất thuốc lá; thu hẹp sản xuất và cung ứng hợp pháp.

Do đó, ông Cung cho rằng, chính sách thuế cần phải nhằm điều tiết hành vi tiêu dùng, giúp người dùng dần chuyển sang hút loại ít độc hại hơn nhờ vào đổi mới công nghệ, những loại thuốc ít làm hại, hay hạn chế tối đa tác động tiêu cực đối với môi trường chung và người không hút thuốc.

Song với việc áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp (tương đối và tuyệt đối) để định hướng thị trường, tăng chất lượng sản phẩm cũng cần quyết liệt thúc đẩy các giải pháp phi thuế. Chẳng hạn như cần tăng cường công tác chống buôn lậu; gây khó nhiều hơn cho người hút thuốc lá, tiếp tục thu hẹp các địa điểm được hút thuốc lá; xử phạt hành chính mạnh hơn đối với người hút thuốc vi phạm các quy định cấm hút thuốc; tăng cường tuyên truyền về tác hại của hút thuốc lá…

Cũng lo ngại về gia tăng thuốc lá lậu nếu tăng thuế quá mạnh, ông Hồ Lê Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng, việc tăng thuế TTĐB nếu có cần cân nhắc hài hòa giữa điều tiết nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển sản xuất kinh doanh.

“Hiệp hội kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu để đưa ra lộ trình tăng thuế, mức độ tăng thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá một cách phù hợp do điều kiện thị trường Việt Nam có nhiều phân khúc giá khác nhau, tránh tạo ra cơ hội cho thuốc lá lậu gia tăng sản lượng tiêu thụ, dẫn đến thất thu thuế”.

Ông Nghĩa cho biết, thuốc lá lậu hiện là một vấn nạn trầm trọng của thị trường thuốc lá tại Việt Nam. Do đó, ông đề nghị Nhà nước và các cơ quan hữu quan áp dụng các biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn, đồng thời sử dụng một phần kinh phí từ Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá để đẩy mạnh công tác chống thuốc lá lậu, qua đó tăng nguồn thu ngân sách từ ngành thuốc lá hợp pháp, thay vì đẩy nhanh việc gia tăng thuế và áp đặt thêm các khoản thu mới trên sản phẩm thuốc lá hợp pháp.

Ông Young Jae Song - Tổng giám đốc Công ty liên doanh BAT – Vinataba thì đề xuất chưa nên tăng thuế TTĐB trong vòng 1 - 2 năm tới. Đại diện doanh nghiệp này kiến nghị Nhà nước cân nhắc một lộ trình hợp lý với mức tăng thuế phù hợp để đảm bảo môi trường kinh doanh và phòng chống gia tăng thuốc lá lậu cũng như những vấn đề về an sinh xã hội.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề cập đến vấn đề thuế TTĐB đối với thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng), khi những năm gần đây, thuốc lá này được nhập lậu ngày càng nhiều hơn. Cùng với đó, có tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng các sản phẩm này nhằm giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh…