Đề xuất tạm dừng cấp phép taxi tới 2015

ANTĐ - Hôm qua, 7-5, UBND TP Hà Nội đã lấy ý kiến lần cuối cho Đề án quản lý taxi trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét vào tuần tới. Tuy vậy, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều liên quan tới các giải pháp mạnh được đưa ra trong đề án này.

Chung màu, chạy theo vùng

Taxi luôn “sẵn lòng” dừng, đỗ giữa lòng đường để bắt khách như “xe ôm”

Trình bày đề án quản lý taxi, Viện Chiến lược và phát triển GT-VT, cơ quan tư vấn lập đề án cho biết, Hà Nội hiện có hơn 17.000 xe taxi và có tới 114 doanh nghiệp (DN) cùng hoạt động. Trong đó khu vực trung tâm TP có khoảng 100 DN với 1,4 vạn xe và khu vực sân bay Nội Bài có 4 DN với khoảng 700 xe. Đáng chú ý, trong số 114 DN nói trên, chỉ có 29 DN có trên 150 xe (chiếm 70% lượng xe); 20 DN có từ 100-150 xe (chiếm 14%); 22 DN có từ 50-100 xe (chiếm 9%) và có tới 43 DN có dưới 50 xe (chiếm 7%).

Cơ quan tư vấn cho rằng, mật độ taxi trong 10 quận nội thành giờ đã bão hòa và cao hơn từ 8-17 lần so với ngoại thành. Đặc biệt, cơ quan tư vấn kết luận: “Taxi là một trong những nguyên nhân gây ra ùn tắc trong nội thành”. Tính ra, 1km đường đô thị Hà Nội hiện phải “cõng” 16 taxi hoạt động. Khảo sát đếm lưu lượng phương tiện tại một số nút giao thông trọng điểm trong khung giờ cao điểm cho thấy, lượng xe taxi qua nút trên tổng số ô tô (xe tải, taxi, xe buýt, xe con) chiếm tỷ lệ rất cao, từ 22-40%.

Để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh taxi, cơ quan tư vấn đề xuất nhiều giải pháp rất mạnh. Cụ thể, Hà Nội sẽ phân vùng quản lý hoạt động kinh doanh taxi. TP được chia làm 2 vùng: vùng trung tâm (I) nằm phía trong đường vành đai 3 và vùng ngoài trung tâm (II) là toàn bộ phần còn lại. Xe taxi ở vùng I được đón, trả khách ở vùng II trong khi taxi thuộc vùng II chỉ được phép trả chứ không được đón khách trong vùng I. 

Đến năm 2015, toàn bộ taxi cùng một màu sơn, theo vùng (vùng I thống nhất màu sơn khác với màu sơn vùng II). Mỗi xe taxi phải có đồng hồ tính cước tự in hóa đơn. Các DN taxi sẽ hướng tới bắt buộc sử dụng tổng đài dùng chung. Dự báo tổng số phương tiện taxi toàn TP phù hợp đến năm 2015 là khoảng 21.000 xe, tư vấn đề nghị, tạm dừng thành lập mới các DN kinh doanh taxi và số lượng taxi để xây dựng chính sách quản lý và chấn chỉnh hoạt động của các DN taxi trên địa bàn.

Coi chừng trái luật

Không đồng tình với kiến nghị “tạm dừng thành lập mới các DN kinh doanh taxi”, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Đức Vũ cho rằng, đề xuất này là trái luật và vượt thẩm quyền của thành phố. Ông cho biết, việc thành lập doanh nghiệp là thực hiện theo luật, thành phố không thể từ chối nếu họ đáp ứng đủ điều kiện. “Theo quy định hiện hành, cứ sau 5 ngày là phải cấp xong đăng ký kinh doanh, không được trì hoãn. Hà Nội muốn tạm dừng cấp đăng ký kinh doanh taxi thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định...”.

Nhìn từ góc độ nhà kinh doanh, ông Nguyễn Huy Quang, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho rằng, tạm dừng thành lập DN taxi là chưa hợp lý. Ông kiến nghị nên chuyển giải pháp này thành “kiểm soát chặt chẽ số lượng taxi phù hợp với nhu cầu và công bố công khai số lượng xe được phép tăng hàng năm cũng như số xe bị rút giấy phép hoạt động...”. Đại diện Transerco cũng nhấn mạnh, giải pháp phân vùng giới hạn phạm vi hoạt động của taxi là không phù hợp. Ông nói: “Đã là taxi thì phải chở khách "từ cửa đến cửa", nhất là tới các khu vực xe buýt không tiếp cận được, chứ không thể đưa ra giới hạn theo địa giới hành chính. Mặt khác, giải pháp này cũng không khả thi vì không đủ lực lượng kiểm soát, chưa nói tới có thể phát sinh tiêu cực”. 

Chủ tịch HĐQT Transerco, ông Nguyễn Đoàn Dũng bổ sung: “Màu sơn liên quan tới thương hiệu mà DN nhiều năm xây dựng, nếu giờ đổi thành một màu thì sẽ rất lãng phí. Thêm nữa, sơn toàn bộ xe hết khoảng 10 triệu đồng. Với số xe taxi lên tới gần 17.000 chiếc, số tiền này là rất lớn và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp”. Đồng quan điểm với lãnh đạo Transerco, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cũng cho rằng, không nên quản lý taxi bằng phương án phân vùng. Ông nói: “Xe từ ngoài vành đai 3 vào trung tâm rồi trở ra mà không được đón khách, đi xe không là lãng phí”. 

Trước nhiều ý kiến trái chiều, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu Sở GT-VT và đơn vị tư vấn tiếp thu, khẩn trương chỉnh sửa đề án để đảm bảo tính khả thi. Dự kiến, tuần tới, UBND TP sẽ trình đề án này để Thường trực Thành ủy xem xét, cho ý kiến.

Hà Nội có gần 1.000 taxi “dù”

Thống kê của Viện Chiến lược và phát triển GT-VT cho biết, Hà Nội hiện có khoảng 1.000 taxi “dù” đang ngang nhiên hoạt động, chiếm khoảng 5-6% tổng số xe. Gần đây, sau nhiều đợt thanh tra, kiểm tra gắt gao, số taxi “dù” giảm xuống còn 700-800 xe và thường tập trung ở nơi đông người như các bến xe, bệnh viện. Viện Chiến lược và phát triển GT-VT đánh giá, không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng lớn tới các hãng taxi, xe taxi “dù” còn là hình ảnh phản cảm đối với Hà Nội, với những vi phạm thường xuyên như gian lận cước, bắt chẹt khách, chống người thi hành công vụ... 

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cũng cho rằng, taxi “dù” khá phổ biến. Ông kể rằng chính mình cũng có lần đi nhầm phải taxi “dù”: “Khi khách ngồi lên xe mới biết là xe “dù”. Cùng một đoạn đường, giá taxi “dù” đắt hơn taxi thường ít nhất 1,5 lần trong khi chất lượng dịch vụ lại kém hơn... nên gây ức chế cho người dân”.