Đề xuất quy định cơ quan Nhà nước phải chấp nhận giao dịch điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc một số cơ quan Nhà nước không chấp nhận giao dịch điện tử, buộc người dân phải gửi thêm bản giấy sẽ gây tốn kém, phiền hà cho người dân.
Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân

Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân

Góp ý cho Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), VCCI cho biết, hiện nay, có tình trạng một số doanh nghiệp và người dân mong muốn được thực hiện các giao dịch điện tử với cơ quan Nhà nước, nhưng nhiều trường hợp cơ quan Nhà nước từ chối tiếp nhận bản điện tử hoặc tiếp nhận xong vẫn yêu cầu doanh nghiệp và người dân nộp thêm bản giấy.

“Điều này gây cản trở rất lớn đối với việc điện tử hoá các dịch vụ công, thủ tục hành chính, gây mất thời gian, công sức, tiền bạc của người dân và doanh nghiệp, thậm chí còn là cơ hội cho nhũng nhiễu, tiêu cực”- VCCI nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề các cơ quan Nhà nước có chấp nhận giao dịch điện tử hay không thường được quy định ở pháp luật chuyên ngành do chính cơ quan đó soạn thảo, vì vậy mà tốc độ chuyển biến rất chậm.

Để khắc phục tình trạng này, VCCI cho rằng cần có chính sách mạnh và quy định rõ ràng từ Luật Giao dịch điện tử về các giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước. Theo đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một chính sách về xác định các trường hợp mà cơ quan nhà nước buộc phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp.

“Các cơ quan này không được phép từ chối hoặc yêu cầu nộp thêm hồ sơ là bản cứng thì mới tiến hành xử lý hồ sơ”- kiến nghị của VCCI nêu rõ.

Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005. Qua 15 năm thực hiện, Luật này bộc lộ một số hạn chế, cần được khắc phục.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), đơn vị được giao chủ trì soạn thảo dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cho hay, dự thảo được xây dựng theo hướng mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của nền công nghiệp 4.0, kinh tế số. Đồng thời với việc quy định cụ thể các cơ chế pháp lý và phù hợp với điều ước quốc tế liên quan đến thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để tạo thuận lợi thúc đẩy sự phát triển cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng tham gia vào hoạt động giao dịch điện tử.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định và mở rộng mà không giới hạn phạm vi như Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

Ban soạn thảo kỳ vọng, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) khi được thông qua sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử, bao gồm tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội để tạo điều kiện tốt hơn cho ứng dụng giao dịch điện tử trong toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội. Từ đó giảm thiểu các vướng mắc, bất cập trong triển khai các dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước, phát triển Chính phủ điện tử.