Đề xuất "nới" điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn trả lương từ gói 26.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bỏ điều kiện “không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn” đối với doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi một số quy định để doanh nghiệp dễ tiếp cận gói 26.000 tỷ đồng

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi một số quy định để doanh nghiệp dễ tiếp cận gói 26.000 tỷ đồng

Bộ LĐ-TB&XH đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP 8 nội dung.

Cụ thể, đối với nhóm chính sách cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, dự thảo sửa đổi 4 nội dung của các chính sách hỗ trợ đào tạo việc làm, vay vốn trả lương, hỗ trợ hộ kinh doanh.

Điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo việc làm cho người lao động về giảm doanh thu được sửa đổi thành: “Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 5% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020”, điều chỉnh giảm từ tỷ lệ 10% xuống 5%.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất cắt giảm điều kiện “người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn” để được hưởng chính sách cho vay phục hồi sản xuất.

Dự thảo bổ sung đối tượng người sử dụng lao động có địa điểm hoạt động trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg được hỗ trợ vay trả lương phục hồi sản xuất.

Đối tượng chính sách hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ kinh doanh được sửa đổi thành: “Hộ kinh doanh có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 hoặc có địa điểm kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/12/2021”.

Nội dung trên bổ sung thêm điều kiện “hoặc có địa điểm kinh doanh phải dừng hoạt động” so với quy định hiện hành.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung các nội dung về các điều kiện nhận hỗ trợ tiền mặt dành cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương; ngừng việc; chấm dứt hợp đồng lao động...

Trong đó, chính sách hỗ trợ tiền mặt cho lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và chấm dứt hợp đồng lao động được sửa đổi, bổ sung đối tượng.

Cụ thể, mở rộng đối tượng hưởng chính sách là “người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chấm dứt hợp đồng lao động” chứ không quy định cụ thể làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục... như Nghị quyết số 68 đang quy định.

Chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng/người lao động ngừng việc cũng bổ sung điều kiện hưởng chính sách cho trường hợp người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động “bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch Covid-19 từ 14 ngày trở lên”.

Đối với chính sách dành cho lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, dự thảo bổ sung nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách Trung ương như sau: “Ngân sách Trung ương hỗ trợ 40% chi cho các đối tượng trên đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách”.