Đề xuất mới nhất của Bộ Công an về quy trình một cuộc thanh tra trong công an nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dự thảo Thông tư quy định quy trình tiến hành một cuộc thanh tra hành chính trong Công an nhân dân đang được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến. Theo dự thảo, trong quá trình thanh tra, gia hạn thời hạn thanh tra xảy ra khi cần xác minh làm rõ hành vi tham nhũng…

Dự thảo Thông tư quy định mục đích thanh tra hành chính nhằm đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phát hiện sơ hở, thiếu sót trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật và các quy định của ngành Công an để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Dự thảo còn nêu rõ tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra; trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính theo kế hoạch hoặc đột xuất trong CAND.

Về thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình để quyết định thanh tra, theo Điều 10 Dự thảo, trước khi ra quyết định thanh tra, trong trường hợp cần thiết, Thủ trưởng cơ quan Công an có thẩm quyền, Thủ trưởng cơ quan thanh tra căn cứ vào yêu cầu của cuộc thanh tra để quyết định việc thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình có liên quan đến đối tượng thanh tra. Thời gian thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày giao nhiệm vụ.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm công bố quyết định thanh tra. Khi công bố quyết định thanh tra phải có đại diện lãnh đạo cơ quan chủ trì thanh tra, Đoàn thanh tra, Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương, cá nhân là đối tượng thanh tra. Việc công bố quyết định thanh tra thực hiện tại trụ sở của đơn vị là đối tượng thanh tra trực tiếp…

Về việc xử lý vi phạm được phát hiện khi tiến hành thanh tra, theo Dự thảo Thông tư, khi tiến hành thanh tra, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn thanh tra báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.Trong trường hợp người ra quyết định thanh tra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang CQĐT thì Trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo tập hợp hồ sơ, tài liệu để chuyển CQĐT.

Trong quá trình thanh tra, việc thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra được thực hiện trong trường hợp Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thanh tra, vi phạm pháp luật hoặc là người thân thích với đối tượng thanh tra hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Đặc biệt, Dự thảo Thông tư còn quy định rõ gia hạn thời hạn thanh tra xảy ra trong các trường hợp: Nội dung thanh tra phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân; Khi cần lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn hoặc trưng cầu giám định các nội dung liên quan đến cuộc thanh tra; Phải xác minh, làm rõ vụ việc có yếu tố nước ngoài thuộc nội dung, phạm vi tiến hành thanh tra; Cần xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng…

Ngoài ra, khi đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không hợp tác, cản trở, chống đối, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra, làm ảnh hưởng đến thời hạn thanh tra; Có sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ thanh tra…cũng sẽ gia hạn thời hạn thanh tra.