Đề xuất giảm thuế đất, giảm tiền điện, cho vay ưu đãi, gia hạn VAT để cứu doanh nghiệp du lịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Covid-19 bùng phát trở lại với tâm dịch là Đà Nẵng rồi lây lan đến một số tỉnh, thành phố như một đòn giáng nặng nề đối với ngành du lịch vừa nhúc nhích hoạt động trở lại sau 3 tháng "đóng băng". Các doanh nghiệp du lịch tiếp tục lâm vào cảnh khó khăn chất chồng.

Một hội nghị trực tuyến vừa được Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức với mục đích "Tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch". Hội nghị đưa ra các giải pháp tránh đứt đoạn, ảnh hưởng chuỗi liên kết, tạo điều kiện cho việc phục hồi nhanh các hoạt động của ngành trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 8/2020 tỷ lệ hủy phòng các khách sạn vào khoảng 98% - 100% ở hầu hết các địa phương; Hà Nội hủy 32.000 tour, TP.HCM hủy 35.000 tour, các DN lớn nhiều đoàn khách đông cũng hủy, gây ra thiệt hại lớn với DN.

Dịch bệnh bùng phát trở lại, rất nhiều tour huỷ khiến ngành du lịch tiếp tục thiệt hại nặng nề 

Bà Nguyễn Thị Vân - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội bày tỏ quan điểm, trong thời điểm khó khăn này, mỗi doanh nghiệp du lịch cũng cần đưa ra các giải pháp cụ thể bảo vệ quyền lợi cho khách hàng cũng như người lao động trong ngành, nhằm giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao. Bà Vân cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần nhất là bình tĩnh, không hoang mang, nâng cao tinh thần đoàn kết, chia sẻ những khó khăn chung. Trong thời gian này, các doanh nghiệp cần tập trung đảm bảo an toàn và tranh thủ thời gian đào tạo nguồn nhân lực.

Đề nghị Tổng cục Du lịch nghiên cứu xây dựng khung pháp lý, Ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Saigontourist cho rằng: "Để trong những trường hợp dịch bệnh có thể đảm bảo an toàn cho khách hàng, đồng thời tránh áp lực nặng nề cho doanh nghiệp". Cùng với đó, hàng không cũng cần có chính sách linh hoạt hơn trong các trường hợp bất khả kháng, không nên áp dụng cứng nhắc các quy định gây khó cho doanh nghiệp lữ hành.

Phố cổ Hội An, di sản thế giới trong những ngày cách ly xã hội (ảnh Mai Kỳ)

Bà Huỳnh Phan Phương Hòa, Phó TGĐ Vietravel lại cho rằng, điều mà doanh nghiệp du lịch cần nhất lúc này là được hỗ trợ vốn để tồn tại bởi để tiếp cận được các nguồn vốn vay rất khó khăn, cùng với đó là giảm lãi suất vay, giảm thuế cho các doanh nghiệp.

Từ điểm cầu Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề xuất: Đối với Chính phủ: giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp du lịch đến năm 2021; chính sách giảm các chi phí lớn của doanh nghiệp như điện, nước, viễn thông… kéo dài đến hết năm 2020; tiếp tục có chính sách giảm lãi suất cho vay (hiện tại giảm 1-2% không đáng kể), hoãn nợ… cho doanh nghiệp du lịch. Quan  trọng là làm sao để các gói cứu trợ tới tay doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch, vì hiện nay dù doanh nghiệp đã làm hồ sơ rất nhiều nhưng chưa được hỗ trợ nào từ các gói cứu trợ của Chính phủ. Đề xuất với Tổng cục Du lịch cần nghiên cứu cơ chế về giảm khoản tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành.

Chưa bao giờ, ở những tháng cao điểm về du lịch, không khí ở Hội An lại trầm lắng thế này (ảnh Mai Kỳ)

Bà Lê Thúy Hà - Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Flamingo cũng đề xuất giảm tiền điện, tiền thuê đất, để các khách sạn, cơ sở lưu trú duy trì ổn định nguồn nhân lực và đảm bảo cảnh quan môi trường để khi dịch lắng xuống có thể đón khách ngay.

Liên quan tới cộng đồng doanh nghiệp du lịch, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, số lượng doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ là rất lớn, trước khó khăn về dịch bệnh bùng phát trở lại, vấn đề quan trọng là làm thế nào để hỗ trợ cho số lượng lớn doanh nghiệp này không bị "chết" trước khi chúng ta có thể kiểm soát được dịch và phục hồi lại lần nữa.

 Ôn Vũ Thế Bình phân tích, lữ hành chỉ là đầu mối, không thể thanh toán hết cho khách hàng, mà cần phụ thuộc vào các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Chỉ một số doanh nghiệp lớn có khả năng thanh toán lại cho khách hàng, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và các khách sạn hiện nay không có khả năng và không còn nguồn tiền, buộc phải rao bán hoặc chuyển nhượng. Qua đợt kích cầu vừa rồi các doanh nghiệp, khách sạn đã giảm giá dịch vụ kịch liệt, bản thân khách hàng cũng được hưởng lợi, nhưng mới chỉ đủ khởi động và nuôi dưỡng lại bộ máy, chứ doanh nghiệp du lịch chưa kịp thu được lợi nhuận sau đợt kích cầu vừa rồi. Do đó, cần có sự chia sẻ sự chịu đựng cho cả 2 phía, cả người đi du lịch và người làm du lịch.

Những con thuyền chở khách du lịch nằm im lìm trên dòng Thu Bồn (ảnh Mai Kỳ)

Vũ Thế Bình nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là liên quan đến vấn đề tài chính. Để giải quyết khó khăn này trong khi chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ giảm thuế, giảm lãi suất, cho vay lãi suất thấp... của nhà nước, trước mắt đề xuất cần đấu tranh quyết liệt về giảm tiền điện, nước, thuê đất... cho doanh nghiệp du lịch.

Mong muốn Tổng cục Du lịch sớm có định hướng chính chính sách đầu tư hình thành các sản phẩm mới trong đó có kinh tế ban đêm để chuẩn bị các điều kiện sớm phục hồi sau dịch, ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà nẵng cho biết, hiện nay doanh nghiệp Đà Nẵng đang gặp rất nhiều khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Đà Nẵng đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ thuế đất cho các khách sạn, cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng để tháo gỡ bớt khó khăn; kiến nghị trung ương giảm phí đường bộ cho các doanh nghiệp vận chuyển; kiến nghị hàng không giảm bớt thời gian hoàn trả kinh phí vé cho các hãng lữ hành và khách lẻ. Ông đồng thời bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp cùng chia sẻ và hỗ trợ nhau vượt qua đại dịch này.

Hội An tháng 8-2020 (ảnh Mai Kỳ)

Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh nhận định, Covid -19 tác động lớn đến du lịch, hàng không và nhiều lĩnh vực khác của đất nước, nhưng so với đợt dịch lần 1, tín hiệu rất đáng mừng lần này là ngành Du lịch đã chủ động đối phó dịch, có kịch bản phục hồi.

"Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu với Bộ VHTTDL đề xuất với Chính phủ các giải pháp, đây là việc không dễ và cần có thời gian vì trong bối cảnh dịch có nhiều lĩnh vực cũng đang bị ảnh hưởng nặng. Về phương án phục hồi thời điểm sau dịch, nhiều ý kiến tích cực được đưa ra như chương trình kích cầu giai đoạn 2, TCDL đã bàn nội dung này và có kế hoạch triển khai cụ thể nhưng dịch bất ngờ bùng phát nên tạm dừng”, Tổng cục trưởng cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, phương án kích cầu giai đoạn 2 sẽ tiếp tục hoàn chỉnh để khi phát động các địa phương cùng hưởng ứng, tạo thành chương trình tổng hợp. Trước mắt, ưu tiên số 1 là các địa phương chưa  có dịch. Tiếp tục theo dõi tình hình dịch, đảm bảo an toàn cho cộng đồng, du khách. Các hiệp hội địa phương vận động các doanh nghiệp chung tay xử lý, giải quyết các sự cố phát sinh thời gian qua, các hãng hàng không có chính sách linh hoạt, không phạt,

Tổng cục Du lịch cũng sẽ đề xuất Bộ VHTT&DL triển khai các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó tập trung chính sách tạo điều kiện cho vay ưu đãi, gia hạn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất…, giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú”.