Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu về mức sàn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn.

Giảm thuế BVMT, mỗi lít xăng dầu sẽ giảm từ 550-1.100 đồng

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, từ đầu năm 2022 đến nay giá xăng dầu thế giới đã có những biến động hết sức phức tạp do ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraine, cùng với sự phục hồi của các nền kinh tế lớn sau đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu xăng dầu tăng cao. Bộ Tài chính là cơ quan thường trực quản lý giá cho Chính phủ cũng rất lo lắng đến sự tác động của giá xăng dầu đến thách thức trong kiểm soát lạm phát năm 2022.

Do đó, cùng với các giải pháp khác để ổn định giá xăng dầu trong thời gian qua, nhằm giảm thiểu tiêu cực của việc tăng giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số chính sách về thuế.

Theo đó, điều chỉnh giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu diesel, dầu nhờn và giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa (áp dụng từ 01/4/2022 đến 31/12/2022); giảm 50% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay (thực hiện từ ngày 01/01/2022 đến hết 31/12/2022).

“Như vậy, việc giảm thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu từ 1/4/2022 đã làm giảm giá trong xăng dầu khoảng từ 770-2.200 đồng/lít tùy loại và giảm số thu ngân sách nhà nước khoảng 23.900 tỷ đồng”- Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, thời gian qua, giá xăng dầu thế giới tiếp tục có biến động. Do đó, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giảm thuế BVMT xuống mức sàn. Theo đó, trung bình mỗi lít xăng dầu sẽ giảm từ 550-1.100 đồng tùy từng loại và sẽ giảm thu ngân sách nhà nước năm 2022 là khoảng 7.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu về mức sàn

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu về mức sàn

Trước những lo ngại việc giảm thuế ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước (NSNN), Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết, đúng là giảm thuế BVMT sẽ làm giảm thu NSNN. Tuy nhiên cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, khi chúng ta kiểm soát được đại dịch, tổng thể thu NSNN năm 2022 đến nay đã đạt hơn 60% so với dự toán được giao. Vì vậy trong cân đối chung NSNN sẽ đảm bảo, bù đắp được các khoản giảm do giảm thuế BVMT.

Bỏ Quỹ Bình ổn giá, tăng dự trữ xăng dầu

Liên quan đến việc đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá (BOG) trong Luật Giá (sửa đổi), Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết hiện nay Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo và đang gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan. Trong đó có đề xuất Bỏ quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu.

Theo Thứ trưởng, hiện có 7 giải pháp để thực hiện, trong đó việc lập Quỹ BOG là một trong 7 giải pháp này. Tại Điều 17 Luật Giá quy định 7 biện pháp BOG, trong đó lập Quỹ BOG chỉ là một biện pháp. Về nguyên tắc thì khi phát sinh trường hợp bình ổn giá phải triển khai ngay các biện pháp để ổn định.

Vì vậy, biện pháp lập Quỹ để thực hiện bình ổn giá không còn phù hợp, tại dự thảo Luật Giá gửi lấy ý kiến rộng rãi đã đề xuất bỏ biện pháp lập Quỹ và gắn với đó đề nghị có thể xem xét bỏ Quỹ BOG xăng dầu để giá trong nước có thể tiệm cận hơn với giá thế giới.

Hiện nay, tâm lý người tiêu dùng đã dần thích ứng được với việc điều chỉnh tăng/giảm giá xăng dầu theo biến động của giá xăng dầu thế giới, do đó, thời điểm này là thích hợp để xem xét bỏ công cụ Quỹ BOG.

Về ý kiến đề xuất nên tăng cường dự trữ xăng dầu vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa góp phần kiềm chế khi giá tăng cao, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn đồng tình cần phải có đủ dự trữ xăng dầu để xử lý trong các tình huống khẩn cấp.

“Vừa qua chúng ta đã có một bước trong việc dự trữ xăng dầu, tuy nhiên dự trữ xăng dầu của chúng ta còn mỏng, nên dự trữ xăng dầu tham gia bình ổn giá chưa có tác động tích cực” – ông nói.

Tuy nhiên, việc dự trữ xăng dầu cần tiềm lực rất lớn, theo Thứ trưởng, Liên Bộ Tài chính - Công thương đã nghiên cứu để tăng mức dự trữ xăng dầu của nhà nước, cùng với đó là dự trữ của các doanh nghiệp. Có thể sắp tới chúng ta hướng tới hợp tác quốc tế trong dự trữ xăng dầu để phòng ngừa những lúc có sự biến động lớn về xăng dầu trên thế giới.

Để dự trữ được xăng dầu, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết, các nước cần có tiềm lực rất lớn, không phải chỉ trong lúc tăng giá mà cả trong khi có những biến động bất thường. Các nước cũng có thể hợp tác với nhau như Nhật đề xuất hợp tác với các nước trong ASEAN để cùng dự trữ xăng dầu và khi có dự trữ chung các nước trong khu vực thì tiềm lực dự trữ của các nước cũng tăng lên.