Đề xuất giảm một nửa mức tiền được hưởng nếu rút BHXH một lần: Quá thiệt cho người lao động!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo các chuyên gia, đề xuất giảm mức hưởng 50% nếu nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần sẽ gây thiệt thòi cho người lao động. Đó cũng chưa phải là giải pháp căn cơ giữ chân người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội một lần, cơ quan soạn thảo đề xuất giảm mức hưởng từ 1,5 - 2 tháng lương cho mỗi năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội như hiện hành xuống chỉ còn 1 tháng lương. Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Người lao động không đồng tình với đề xuất giảm 50% mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Người lao động không đồng tình với đề xuất giảm 50% mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Cơ sở nào đề xuất giảm mức hưởng?

Trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, một trong những vấn đề bất cập của chính sách hiện hành là những năm gần đây, số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng nhanh chóng. Trong giai đoạn 2010-2020, mỗi năm bình quân có khoảng 650 nghìn người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, dẫn đến số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng thêm chỉ ở mức gần 600 nghìn người mỗi năm; tức là cứ có 2 người mới tham gia thì có 1 người rời khỏi hệ thống. Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng qua từng năm, đặt áp lực lớn lên nỗ lực mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là mục tiêu về tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu.

Nhằm giữ chân người lao động ở lại hệ thống an sinh xã hội để có lương hưu khi về già, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất điều chỉnh quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tạo điều kiện cho người lao động có sự lựa chọn, đồng thời vẫn đảm bảo hướng người lao động đến quyết định bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.

Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau một năm nghỉ việc không tham gia bảo hiểm xã hội, và đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội bằng một tháng tiền lương bình quân tính đóng bảo hiểm xã hội. Còn theo quy định hiện hành, sau khi nghỉ việc 1 năm, nếu người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, mỗi năm tham gia bảo hiểm xã hội được tính bằng 1,5 tháng lương cho giai đoạn từ 2014 về trước, và 2 tháng lương cho giai đoạn từ 2014 tới nay.

Thiệt thòi cho người lao động

Liên quan đến đề xuất này, anh Nguyễn Văn Thắng công nhân khu công nghiệp Quang Minh chia sẻ: “Không chỉ tôi mà rất nhiều người lao động không đồng tình với việc chính sách bảo hiểm xã hội thay đổi theo hướng siết quyền lợi người lao động. Tiền bảo hiểm xã hội được trích đóng từ tiền lương của người lao động và phần doanh nghiệp trích nộp cũng do người lao động làm ra. Tâm lý của nhiều lao động ngoại tỉnh là chỉ muốn làm thuê ít năm, tích lũy vốn để về quê mưu sinh, do vậy họ xem khoản bảo hiểm xã hội một lần là khoản tiết kiệm và sẽ rút khi cần. Bảo hiểm xã hội một lần là tiền lương của người lao động trích lại, nay họ gặp khó khăn thì cần phải trả lại, không thể giảm đi được”.

Số tiền người lao động đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là tiền trích ra từ lương hàng tháng của họ. Bảo hiểm xã hội xây dựng trên nguyên tắc: đóng - hưởng. Tức là: có đóng có hưởng, đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. Việc điều chỉnh giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần là không hợp lý.

Ông Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn

Cùng quan điểm với anh Nguyễn Văn Thắng, chị Phạm Lan Hương cho hay” Công việc của tôi ổn định nên chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ rút bảo hiểm xã hội một lần. Song, tôi cũng không đồng tình với đề xuất giảm 50% mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần so với quy định hiện hành theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH. Nếu đề xuất này được đưa vào Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi thì quá thiệt thòi cho người lao động”.

Theo tính toán của cơ quan bảo hiểm xã hội, mỗi tháng người lao động đóng 8%, doanh nghiệp đóng cho người lao động 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất. Như vậy, mỗi năm người lao động đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là 2,64 tháng lương. Nếu rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ được hưởng có một tháng lương thì quá thiệt. Không phải người lao động nào cũng đủ điều kiện về sức khỏe để chờ và được hưởng lương hưu. Theo ông Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, số tiền người lao động đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là tiền trích ra từ lương hàng tháng của người lao động. Bảo hiểm xã hội xây dựng trên nguyên tắc đóng - hưởng. Có đóng có hưởng, đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. Việc điều chỉnh giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần là không hợp lý.

Cần đánh giá tác động thấu đáo

Bàn về vấn đề này, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng, cho biết, việc điều chỉnh các quy định, hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội lần được xem là cần thiết, giữ vững vai trò của bảo hiểm xã hội trong bảo đảm an sinh xã hội về lâu dài. Tuy nhiên, việc điều chỉnh như thế nào phải cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo quyền lợi để giữ chân người lao động ở lại hệ thống. Dưới góc độ bảo vệ quyền lợi của người lao động, ông Lê Đình Quảng cho rằng, đề xuất giảm 50% mức hưởng so với quy định hiện nay chưa phải là bước đi và lộ trình thích hợp.

Theo tính toán của cơ quan bảo hiểm xã hội, mỗi tháng người lao động đóng 8%, doanh nghiệp đóng cho người lao động 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất. Như vậy, mỗi năm người lao động đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là 2,64 tháng lương. Nếu rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ được hưởng có một tháng lương thì quá thiệt. Không phải người lao động nào cũng đủ điều kiện về sức khỏe để chờ và được hưởng lương hưu.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng số lượng người nhận bảo hiểm xã hội một lần ngày càng tăng cao là do thu nhập, đời sống của công nhân lao động còn quá khó khăn. Trong khi đó, tuổi nghề của công nhân lao động ngày càng trẻ hóa. Người lao động không có tích lũy nên khi phải nghỉ việc, hầu hết họ lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần để có một khoản tiền lo cho sinh hoạt trước mắt. Vì thế, để giảm tình trạng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần, quan trọng nhất là phải thu hẹp được khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động. Về lâu dài cần có giải pháp để làm sao người lao động thu nhập đủ sống và tích lũy thì khi họ buộc phải dừng công việc sẽ có tiền duy trì cuộc sống, lúc đó sẽ giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần như hiện nay.

Theo các chuyên gia lao động, đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần chưa phải là giải pháp triệt để để giảm tình trạng người lao động rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội. Để hạn chế tình trạng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần có rất nhiều cách, trong đó có việc tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thay vì chỉ có 2 chế độ như hiện nay (hưu trí và tử tuất), bảo hiểm xã hội nên mở rộng thêm các chế độ hưởng để người có nhu cầu mở rộng thêm quyền lợi được tham gia. Việc thắt chặt các điều kiện nhận bảo hiểm xã hội một lần là một trong những giải pháp cần thiết nhằm bảo đảm cân đối của quỹ bảo hiểm xã hội về lâu dài, song “siết” thế nào thì cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Đề xuất chính sách cần đảm bảo quyền lợi thì mới giữ chân được người lao động trong hệ thống an sinh xã hội.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng số lượng người nhận bảo hiểm xã hội một lần ngày càng tăng cao là do thu nhập, đời sống của công nhân lao động còn quá khó khăn. Trong khi đó, tuổi nghề của công nhân lao động ngày càng trẻ hóa. Người lao động không có tích lũy nên khi phải nghỉ việc, hầu hết họ lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội lần để có một khoản tiền lo cho sinh hoạt trước mắt. Vì thế, để giảm tình trạng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần, quan trọng nhất là phải thu hẹp được khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động. Về lâu dài cần có giải pháp để làm sao người lao động thu nhập đủ sống và tích lũy thì khi họ buộc phải dừng công việc sẽ có tiền duy trì cuộc sống, lúc đó sẽ giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần như hiện nay.