Đề xuất giải pháp xuất kích cầu đầu tư, tiêu dùng

ANTĐ - Hôm qua, 27-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2013. Lần này, Chính phủ họp theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trọng tâm của phiên họp là kiểm điểm tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013.
Đề xuất giải pháp xuất kích cầu đầu tư, tiêu dùng ảnh 1
Kiểm soát lạm phát hiệu quả sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững
Ảnh: PHÚ KHÁNH


Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, lạm phát không còn là mối lo lớn trong năm 2013. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tổng cộng 2,4% là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Đáng lưu ý, CPI đã có xu hướng giảm hoặc tăng không đáng kể từ tháng 3 đến nay. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước thì lạm phát còn ở mức khá cao. Cụ thể, CPI tháng 6 tăng 6,69%, bình quân 6 tháng tăng 6,73%.

“CPI những tháng cuối năm có thể cao hơn đầu năm nhưng sẽ được kiềm chế để thấp hơn năm 2012, việc này không quá nặng nề. Nếu CPI cả năm tăng 7 hoặc 8% thì vẫn là chỉ số rất đẹp” -  Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Các giải pháp tháo gỡ khó khăn đã dần có tác dụng, niềm tin của các nhà đầu tư đã được cải thiện hơn. Sản xuất kinh doanh cũng có những tiến triển dù còn nhiều khó khăn”. Bộ trưởng cũng đánh giá, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm tăng 4,9% tuy chưa được như mong đợi nhưng là mức chấp nhận được trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Đồng tình với nhận định của Bộ KH-ĐT, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo cho biết, dù gặp nhiều khó khăn nhưng TP Hà Nội đã nỗ lực kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn năm ngoái trong khi vẫn duy trì được mức tăng trưởng kinh tế hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội.

Dự báo tình hình vẫn còn diễn biến khó lường, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, cần tiếp tục triển khai cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

“Điểm mấu chốt là phải đưa chính sách vào cuộc sống nhanh hơn. Doanh nghiệp đang cần những giải pháp để đẩy sức mua trên thị trường, nhằm tăng tổng cầu, giúp giải quyết nhanh hơn lượng hàng tồn kho. Nên chăng, chúng ta cần giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng trong ngắn hạn kết hợp với nới tín dụng ra một chút để thúc đẩy sản xuất phát triển” – ông Nguyễn Thế Thảo kiến nghị.

Tán thành đề xuất của TP Hà Nội, các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam, Hải Dương cho rằng, trong tình hình hiện nay, nếu không huy động, kích cầu đầu tư để đưa vốn vào sản xuất thì khó giải quyết triệt để tình hình. Chính phủ nên tiếp tục điều hành giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các chủ đầu tư tiếp cận dễ dàng nguồn vốn tín dụng, không nên để tăng trưởng tín dụng đầu tư thấp hơn tăng trưởng tiền gửi như hiện nay.

Liên quan đến kích cầu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm chỉ đạo các ngân hàng thương mại giải ngân gói kích cầu 30 nghìn tỷ hỗ trợ thị trường bất động sản. Cho rằng việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xây dựng còn khó khăn,  Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị, cần xem xét lại tiêu chí xét duyệt cho vay vốn để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận dòng tiền mới, thúc đẩy sản xuất. 

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các địa phương, bộ ngành phải chú ý huy động đầu tư toàn xã hội. 6 tháng vừa qua kết quả còn quá thấp. Đồng thời, phải tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư dưới mọi hình thức. Về tháo gỡ khó khăn sản xuất, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp quản lý thuế theo thẩm quyền, đảm bảo thu đúng, thu đủ, khắc phục trốn thuế để cân đối thu chi ngân sách. 

Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Về chính sách tín dụng, Thủ tướng cho rằng, lãi suất giảm là tốt nhưng phải hợp lý. Lãi suất cho vay-huy động phải cân đối ở khoảng nào là phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng. Nếu lãi suất không hợp lý, người dân sẽ lại đầu tư vào vàng, USD. Do đó, lãi suất huy động không thể thấp hơn lạm phát.

Thủ tướng gợi ý, phải tăng dư nợ tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, đưa tín dụng vào đúng hộ sản xuất, đúng doanh nghiệp có sản phẩm, có thị trường tiêu thụ. Nếu đưa vào các doanh nghiệp không có cơ hội phục hồi thì chỉ thêm gánh nặng cho nền kinh tế. Cùng với đó, phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, triển khai nhà ở xã hội; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thủ tướng cũng lưu ý, các bộ ngành, địa phương phải đẩy mạnh thực hiện an sinh xã hội, giáo dục - y tế, đặc biệt là các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, việc làm...