Đề xuất đưa nước ngọt vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

ANTD.VN - Theo quy định hiện hành chỉ nước ngọt có ga phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nhưng Bộ Tài chính đang đề nghị bổ sung tất cả các loại nước ngọt vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10%, áp dụng từ 2019.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế đang được Bộ Tài chính xây dựng đã đưa ra hàng loạt đề xuất sửa đổi với 5 luật thuế, bao gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Thuế tài nguyên …

Trong đó, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết hiện nay, chỉ nước ngọt có ga mới phải chịu thuế TTĐB. Trong dự án Luật lần này, để mở rộng cơ sở thu, phù hợp thông lệ quốc tế, toàn bộ các mặt hàng nước ngọt sẽ được bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB với thuế suất 10% từ năm 2019 (trừ nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa và các sản phẩm từ sữa).

Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với tăng năng lượng nạp vào cơ thể, tăng cân, béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu khác đến sức khỏe. Do vậy, để định hướng và hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường, các nước trong khu vực đã thu thuế TTĐB đối với mặt hàng này. Đây là lý do Bộ Tài chính đề nghị bổ sung nước ngọt bao gồm có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyển sản xuất công nghiệp vào đối tượng chịu thuế TTĐB nhằm định hướng tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi hai nội dung nhằm cải cách hệ thống thuế và góp phần định hướng tiêu dùng liên quan đến việc tăng thuế TTĐB với thuốc lá ngoài mức thuế suất tương đối 70% hiện nay lên 75% vào năm 2019, đề nghị bổ sung thêm mức tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/điếu xì gà áp dụng từ ngày 1/1//2020.

Với xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng cũng được đề xuất áp dụng thuế suất thuế TTĐB bằng 60% mức thuế xe con cùng dung tích xi lanh. Để thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, Luật cũng sửa đổi giá tính thuế TTĐB với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống (là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước).

Tất cả các loại nước ngọt có thể sẽ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm 2019

Đối với Luật Thuế GTGT, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bao gồm: Chuyển phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT (5-10%); Bổ sung quy định doanh nghiệp sản xuất hàng hoá, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế GTGT;

Bỏ quy định “sản phẩm xuất khẩu là hàng hoá được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản (TNKS) có tổng giá trị TNKS cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” không chịu thuế GTGT, và bỏ quy định “Dự án đầu tư khai thác TNKS được cấp phép từ ngày 1/7/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hoá mà tổng giá trị TNKS cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư” không được hoàn thuế GTGT;

Quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt với hàng hoá, dịch vụ mua vào, trừ hàng hoá, dịch vụ mua từng lần từ mức dưới 20 triệu đồng xuống mức dưới 10 triệu đồng.

Bên cạnh đó, có 3 nội dung sửa đổi nhằm đảm bảo tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu theo Nghị quyết số 07-NQ/TW, trong đó, giảm nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế; nâng mức thuế suất thuế GTGT từ mức 10% lên mức 12%.

Đối với Luật Thuế TNDN, dự án Luật đề xuất giảm thuế suất thuế TNDN với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để đáp ứng và tương thích với Luật Hỗ trợ DNNVV mới ban hành. Cụ thể, doanh nghiệp siêu nhỏ (doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm) được áp dụng thuế suất 15%. DNNVV (số lao động bình quân không quá 200 người, tổng doanh thu từ 3 – 50 tỷ đồng/năm) được áp dụng thuế suất 17%.

Ngoài ra, Dự thảo cũng sửa đổi một số nội dung khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp  như quy định phương pháp nộp thuế GTGT và thuế TNDN đơn giản cho doanh nghiệp siêu nhỏ; tỷ lệ thu thuế đối với nhà thầu nước ngoài; về bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Đối với Luật Thuế TNCN cũng được đề xuất sửa đổi 3 nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn cho cá nhân gồm: Bổ sung quy định không thu thuế TNCN đối với thu nhập từ lợi tức cổ phần của thành viên Hợp tác xã nông nghiệp, cá nhân là nông dân ký kết hợp đồng với DN tham gia “Cánh đồng lớn”; Quy định miễn thuế TNCN với một số đối tượng đặc biệt đang thực hiện tại các nghị định, quyết định để đảm bảo tính hệ thống, thống nhất; bổ sung chính sách giảm thuế TNCN cho một số đối tượng là nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT, nông nghiệp, chế biến nông sản.

Đồng thời, Dự thảo cũng bổ sung quy định thu nhập từ bản quyền bao gồm cả thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng tài nguyên Internet theo quy định của Luật Viễn thông. Sửa đổi, bổ sung tỷ lệ thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của cá nhân (sửa đổi mức thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân ở mức 1% trên giá chuyển nhượng cho tương thích với tỷ lệ % thuế TNDN trên doanh thu với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài). Ngoài ra, mức thuế suất với thu nhập từ trúng thưởng được sửa đổi theo biểu thuế luỹ tiến với ba bậc thuế nhằm điều tiết hợp lý thuế TNCN với thu nhập này…

Cuối cùng, đối với Luật Thuế tài nguyên, dự án Luật lần này tập trung sửa đổi 4 nội dung để thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan về khoáng sản, điện lực, hải quan… Đó là sửa đổi quy định về người nộp thuế tài nguyên trong trường hợp khai thác nhỏ, lẻ để phù hợp Luật Khoáng sản, phù hợp thực tế. Sửa đổi, bổ sung quy định về sản lượng tài nguyên tính thuế đối với nước thiên nhiên (trừ nước cho thuỷ điện). Sửa đổi, bổ sung quy định về giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên cho sản xuất thuỷ điện và giá tính thuế tài nguyên với tài nguyên khai thác xuất khẩu để phù hợp với quy định pháp luật khác.