Đề xuất điều chỉnh mặt nước hồ Thành Công xây chung cư: Không thể chấp nhận đánh đổi lợi ích trước mắt

ANTD.VN - Trong đề xuất mới nhất về cải tạo khu tập thể cũ Thành Công (quận Ba Ðình, Hà Nội), Công ty CP Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) đã có phương án đề nghị Hà Nội cho phép điều chỉnh không gian mặt nước hồ Thành Công. Theo đó, sẽ lấp một phần hồ Thành Công để xây dựng khu tái định cư và hoàn lại một diện tích mặt nước tương tự ở vị trí khác.

Đề xuất lấp hơn 4.000 m2 hồ làm khu tái định cư

Mới đây, Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) đã có báo cáo Hội đồng kiến trúc quy hoạch thành phố Hà Nội về các phương án cải tạo khu chung cư Thành Công (quận Ba Đình). Theo đó, Vihajico đã đưa ra 2 phương án cải tạo khu tập thể cũ này. Phương án 1 không điều chỉnh ranh giới; phương án 2 có đề xuất điều chỉnh ranh giới.

Cụ thể, phương án 1 mà Vihajico đề xuất là thực hiện theo đúng quy hoạch phân khu và các quy chế, quy định hiện hành.

Tuy nhiên, trong trường hợp này thì nhà nước phải hỗ trợ bố trí chợ tạm và bù lỗ cho dự án. Với phương án này, 100% cư dân chung cư được tái định cư tại chỗ, tỷ lệ đền bù 1,0; bãi đỗ xe ngầm 3 tầng; chiều cao công trình chung cư tối đa 24 tầng và điểm nhấn là công trình thương mại cao 35 tầng…

Phương án 2, chủ yếu triển khai bằng nguồn lực của chủ đầu tư. Phương án này sẽ không gây xáo trộn đời sống người dân trong khu vực khi 100% cư dân được tái định cư tại chỗ; tỷ lệ đền bù 1,0; chiều cao tối đa của công trình là 35 tầng, có điều chỉnh ranh giới dự án để bố trí tạm cư.

Điểm đáng lưu ý của phương án này là nhà đầu tư đề xuất mở rộng diện tích công viên và hồ về phía trung tâm khu đô thị và “bù lại” cũng đề xuất cắt giảm hơn 4.267m2 mặt hồ phía đối diện để làm khu nhà tái định cư chất lượng cao.

Vihajico cho rằng, với phương án này, sẽ giảm chi phí đầu tư, Nhà nước không cần hỗ trợ; công năng của hồ nước không đổi (vì diện tích bù đắp lớn hơn…). Tuy nhiên, theo phương án này, dân số sẽ gia tăng dự kiến là 10%.

Quang cảnh hồ Thành Công

Đây không phải lần đầu tiên Vihajico đề xuất “lấp” một phần hồ Thành Công. Cách đây 2 năm, tại một hội thảo về cải tạo chung cư cũ, lãnh đạo Công ty cũng đã đưa ra đề xuất nâng tầng chung cư và lấy 1ha diện tích hồ Thành Công phục vụ tái định cư tại chỗ, đồng thời hoàn lại bằng cách điều chỉnh mở rộng ranh giới hồ vào trong khu dân cư mới.

Tuy nhiên, đề xuất này đã bị giới chuyên gia và dư luận không đồng tình.

Không đánh đổi vì lợi ích trước mắt

Trao đổi với phóng viên về đề xuất này, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội bày tỏ quan điểm không đồng tình. Ông cho rằng Hà Nội có bản sắc văn hiến, tức là tôn trọng truyền thống, trong đó các hồ nước là một trong những yếu tố phải tôn trọng. Hồ nước không chỉ cần có đủ diện tích mặt nước, đủ khối lượng nước để đảm bảo điều hòa nước mưa mà còn phải tôn trọng hình dáng, cảnh quan của hồ.

“Thí dụ, tại sao Công viên Tuổi trẻ có hồ mô tả hình dáng con chim hòa bình, nó thể hiện khát vọng hòa bình của tuổi trẻ. Tại sao Hồ Hoàn Kiếm dài thế, là để tôn vinh Tháp Rùa và Đền Ngọc Sơn. Hồ Tây hình trái tim để tôn vinh khu đất truyền thống là bán đảo Quảng An… Hồ Thành Công cũng gắn với lịch sử phát triển của nhiều thế hệ trước, bây giờ lấp hồ, dù có bù lại thì cũng chỉ giải quyết diện tích mặt nước mà không đảm bảo hình dáng, cảnh quan hồ” – KTS Đào Ngọc Nghiêm phân tích.

Hơn nữa, theo nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc, hồ Thành công không chỉ dành cho người dân ở khu Thành Công mà còn đóng góp vào cảnh quan của cả Thành phố. Đặc biệt khi hồ tiếp xúc với không gian ngã tư đường thì đòi hỏi phải có độ “mềm”, độ “mở”. Còn nếu theo phương án doanh nghiệp đề xuất thì sẽ là không gian khép kín, không phù hợp không gian nội đô.

Ngoài ra, với phương án này, dân số sẽ tiếp tục tăng thêm 10% (hiện nay dân số tại khu vực này là 14 vạn người, theo phương án 1 sẽ tăng lên 20 vạn nhưng nếu theo phương án 2 sẽ tiếp tục tăng lên 22 vạn người), sẽ gây áp lực lên hạ tầng xã hội.

Nêu ý kiến về giải pháp cải tạo chung cư Thành Công nói riêng và các khu chung cư cũ nói chung, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng đây không chỉ là lợi ích của doanh nghiệp, người dân mà còn là lợi ích của Nhà nước, vì vậy việc Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp như cấp bù kinh phí là cần thiết.

“Bài học kinh nghiệm từ việc cải tạo khu tập thể Kim Liên thì Thành phố đã phải giao thêm đất cho họ ở vị trí khác, với chính sách thuận lợi là không thu tiền sử dụng đất trong một số năm đầu. Hay việc xây dựng các điểm đỗ xe trong nội thành, Thành phố cũng phải miễn tiền sử dụng đất trong 5 năm đầu, thậm chí hỗ trợ thêm chi phí đầu tư trang thiết bị nếu áp dụng công nghệ hiện đại… Nói cách khác là chúng ta phải tìm lợi ích cho cả thành phố chứ không phải chỉ tìm lợi ích trong ranh giới của riêng khu chung cư đó” – vị chuyên gia nêu quan điểm.

Được biết, những ý tưởng lập quy hoạch cải tạo xây mới chung cư cũ tại Hà Nội đều được Hội đồng Quy hoạch kiến trúc Thành phố đánh giá rất kỹ trước khi trình UBND TP xem xét quyết định làm cơ sở để nhà đầu tư tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500.

Quá trình lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch cần phải lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng dân cư, các cơ quan tổ chức có liên quan trước khi phê duyệt theo đúng quy trình quy định.