Đề xuất cống hóa sông làm bãi đỗ xe là "đóng hộp", "giết chết" các dòng sông

ANTD.VN - Nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất cống hóa các dòng sông trên địa bàn Hà Nội làm bãi đỗ xe cao tầng chẳng khác nào "giết chết" các dòng sông đó.

Bộ GTVT vừa nhận được đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn (đường D1, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM) hiến kế xây dựng các bãi đỗ xe thông minh bằng cách “cống hóa” 4 con sông và bãi giữa sông Hồng để kéo giảm ùn tắc giao thông tại TP Hà Nội.

Xây bãi đỗ xe nhiều tầng, khổng lồ ở bãi giữa sông Hồng

Đề xuất này không phải là mới, trước đó, đã có một số đề xuất cống hóa sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu trên địa bàn Hà Nội để làm bãi đỗ xe, giải quyết tình trạng thiếu hụt bãi đỗ xe hiện nay. Song cho đến nay, tất cả mới chỉ dừng lại ở mức đề xuất, bởi phần lớn ý kiến đều phản đối.

Ông Mai Trọng Tuấn cho rằng, những năm gần đây, nhu cầu mua sắm xe ô tô cá nhân của người dân tăng cao. Các đô thị lớn, trong đó, có Hà Nội phải dùng mặt đường, thậm chí cả hè phố làm chỗ đỗ xe.

Lại đề xuất cống hóa sông Kim Ngưu và các dòng sông khác trên địa bàn Hà Nội làm bãi đỗ xe

Việc này không chỉ gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng mà còn dẫn đến bất cập là dịch vụ trông, giữ xe tự phát, trái phép mọc lên ngày càng nhiều. Vì thế, TP Hà Nội cần xây dựng thêm các giàn đỗ xe nổi (dàn đỗ xe thông minh). Trên cơ sở đó, ông Tuấn đề xuất 2 khu vực có thể thiết lập những giàn đỗ xe thông minh, liên hoàn, có sức chứa từ 20.000 - 30.000 xe ô tô cá nhân.

Cụ thể, khu vực thứ nhất là tận dụng không gian phía trên bề mặt các con sông gồm: Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu. Bốn con sông này chạy từ phía Nam Hà Nội lên phía Tây qua các quận trung tâm, song song 2 bên đều có các con đường đã được mở rộng, tổng chiều dài khoảng 60km.

Các giàn đỗ xe nổi có thể được hình thành theo hướng bắc ngang qua các con sông này, lắp ở hai bên nối vào các con đường có sẵn, làm ngang hoặc có thể làm thấp hơn mặt đường. Chiều cao của các giàn đỗ xe khoảng 20m (từ 6-9 tầng), chiều rộng khoảng 18-20m.

Theo tính toán, nếu khoảng cách các giàn đỗ xe từ 500 - 1.000m2/giàn (chiếm 1/60 diện tích mặt sông), Hà Nội có thể hình thành 120 giàn đỗ với sức chứa khoảng 14.400 xe ô tô.

Khu vực thứ hai được đề xuất là bãi giữa sông Hồng. Ông Tuấn cho rằng, hiện nay bãi giữa sông Hồng của Hà Nội ngày càng mở rộng về phía bờ Nam và không còn bị ngập.

Vì vậy, có thể lấy vị trí này để làm một hệ thống đỗ xe với các giàn đỗ nhiều tầng, giải quyết nhu cầu đỗ xe cho cư dân các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ. Với phương án này, hệ thống giao thông kết nối cần làm là một số tuyến đường từ bờ đê xuống bãi đỗ và những cây cầu nhỏ.

Theo ông Tuấn, hình thành bãi đỗ xe ở hai khu vực trên sẽ giải quyết được một số vấn đề như: Không chiếm diện tích đất của các quận trung tâm; Không ảnh hưởng đến nhu cầu thoát nước, thi công nhanh, tiết kiệm chi phí... nhưng hoạt động sẽ gặp khó khăn lớn nhất là tâm lý ngại đi bộ của người dân hiện nay.

Không chấp nhận cống hóa sông

Tuy vậy, đề xuất này của ông Mai Trọng Tuấn lại một lần nữa vấp phải ý kiến phản đối của nhiều chuyên gia và các tầng lớp nhân dân.

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, thời điểm hiện tại, quỹ đất dành cho giao thông của Hà Nội chỉ vào khoảng 8%, nhưng 80% trong số đó dành cho diện tích mặt đường phục vụ phương tiện đi lại. Do đó, việc cung ứng thêm một số vị trí đỗ xe là cần thiết.

Tuy nhiên, ông Minh lưu ý, việc hình thành điểm đỗ phải hết sức thận trọng, tránh “hiệu ứng ngược”. Thực tế, nhiều bãi đỗ mọc lên không những không giải quyết được nhu cầu hiện tại, mà còn là nguyên nhân để người dân mua xe nhiều hơn, tắc lại hoàn tắc.

Đối với đề xuất tận dụng mặt sông làm bãi đỗ, ông Minh cho rằng, giải pháp này sẽ mang tính đánh đổi. Cái được là có không gian đỗ xe, cái đánh đổi sẽ là mỹ quan đô thị, điều tiết khí hậu, môi trường, cơ hội phát triển du lịch thủy nội địa trong tương lai...

Từ năm 2016, Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng đã đề xuất cống hóa sông Kim Ngưu, bãi giữa sông Hồng để làm bãi đỗ xe. Nhưng, tại thời điểm đó, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã lên tiếng phản đối.

GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NN&PTNT) cho rằng, đề xuất cống hóa một số dòng sông trên địa bàn Hà Nội "không đơn giản là đổ bê tông đậy nắp như bể phốt".

Việc này chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt về đường giao thông, bãi đỗ xe nhưng không xử lý được vấn đề chính là thoát nước, ô nhiễm nước thải và sẽ để lại nhiều hệ lụy cho quy hoạch của thành phố.

Việc nắn dòng, cải tạo mặt đáy, dựng bờ kè để đổ nắp cống sẽ tốn kinh phí lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, vấn đề về môi trường vẫn chưa thể giải quyết.

Hơn nữa, Hà Nội chỉ có một số dòng sông đã gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô, tại sao không tìm cách “cứu” những con sông này, thay vào đó lại đề xuất cống hóa, như vậy chẳng khác nào “giết” luôn các con sông này.

Còn về khu vực bãi giữa, sông Hồng có chế độ thủy văn hết  sức phức tạp, liên quan đến toàn bộ hệ thống sông ở miền Bắc. Đây cũng là con sông xếp hạng đặc biệt, bởi vậy, đề xuất trên của ông Tuấn hoàn toàn không khả thi.