Đề xuất bổ sung sân bay Ninh Bình: Khó khả thi vì quá gần các sân bay khác

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự việc tỉnh Ninh Bình đề xuất Bộ GTVT bổ sung sân bay Ninh Bình vào Quy hoạch hàng không trong giai đoạn tới vẫn khiến dư luận quan tâm. 

Theo nội dung văn bản do ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ký gửi Bộ GTVT, Ninh Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch với truyền thống lịch sử văn hóa, phong cảnh tự nhiên phong phú và đa dạng…

Hàng năm, tỉnh này thu hút lượng lớn khách du lịch trong cả nước và trên thế giới (tính riêng năm 2019 Ninh Bình đã đón trên 7,6 triệu lượt khách).

Trong khi đó, lượng khách du lịch quốc tế đến Ninh Bình chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài, việc di chuyển bằng đường bộ, và đường sắt làm kéo dài thời gian, tăng áp lực vận tải làm hạn chế khả năng khai thác và phát triển của du lịch Ninh Bình nói riêng, cũng như phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Bình nói chung…

Do đó, UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất vị trí xây dựng sân bay có thể tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh.

Tuy vậy, đề xuất này của tỉnh Ninh Bình không được dư luận cũng như giới chuyên gia đồng tình.

Đề xuất sân bay của tỉnh Ninh Bình bị phản đối

Đề xuất sân bay của tỉnh Ninh Bình bị phản đối

Theo các chuyên gia về giao thông, việc UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị bổ sung một vị trí cảng hàng không tại địa phương này vào Quy hoạch tổng thể phát triển Cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050 là chưa hợp lý. Vì cách Ninh Bình trong bán kính 100km đã có sân bay Thọ Xuân (Thanh Hoá), Cát Bi (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh) và Nội Bài (Hà Nội).

Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), hiện chỉ có 1/3 số sân bay do ACV quản lý là có lãi, cho thấy nếu để xảy ra tình trạng "lạm phát sân bay" sẽ gây ra lãng phí ghê gớm khi nhiều đường bay chưa khai thác hết công suất.

Trong khi đó suất đầu tư xây dựng một sân bay rất lớn nếu cứ ồ át đầu tư sân bay sẽ không chỉ gây lãng phí về tiền bạc mà còn gây lãng phí về tài nguyên và con người.

“Ninh Bình quá gần các sân bay khác như: Nội Bài (Hà Nội), Thọ Xuân (Thanh Hóa). Việc kết nối đến các sân bay này cũng rất thuận lợi nên việc đầu tư thêm một sân bay tại Ninh Bình là khó khả thi”, chuyên gia giao thông nhận định.

Nhất là trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp thì việc nghiên cứu bổ sung sân bay Ninh Bình vào quy hoạch được cho là chưa cần thiết. Ngay cả trong trường hợp có tư nhân nhận đầu tư thì chắc chắn cũng phải được xem xét cẩn trọng.

Cho ý kiến về việc này, lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng, hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, định hướng 2050 đang được Bộ GTVT gửi đi xin ý kiến các tỉnh. Sau khi các địa phương phản hồi, trên cơ sở đó Cục mới tập hợp, xin ý kiến của các bên tư vấn. Dự kiến thời gian kết thúc việc nhận phản hồi từ các tỉnh là trong quý 1 năm nay.

Tuy nhiên, đại diện Cục này cũng thẳng thắn, việc bổ sung cảng hàng không Ninh Bình là khó khả thi vì quá gần với một loạt sân bay khác.

Tại Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất đến năm 2030, cả nước sẽ có 26 cảng hàng không.

Trong định hướng đến năm 2050, cả nước sẽ có 30 cảng hàng không. So với giai đoạn đến năm 2030, hệ thống cảng hàng không toàn quốc được bổ sung thêm 4 cảng hàng không gồm: Nà Sản, Lai Châu, Cao Bằng và cảng hàng không thứ hai cho Vùng Thủ đô sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040.

Như vậy, các cảng hàng không: Ninh Bình, Hà Tĩnh, Bạc Liêu, Ninh Thuận hiện chưa có mặt trong danh sách này.