Đề xuất ban hành hàng loạt thuế chống đầu cơ nhà, đất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - HoREA đề xuất đánh thuế thu nhập thuế suất rất cao với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập nhằm triệt tiêu ý chí đầu cơ của nhà đầu tư “lướt sóng”; đồng thời đánh thuế người có nhiều nhà đất, thuế tài sản...

Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất các giải pháp nhằm “đặc trị” sốt đất, sốt giá nhà. Trong đó, HoREA kiến nghị Thủ tướng xem xét sử dụng hiệu quả công cụ thuế và ban hành thuế bất động sản.

Ban hành thuế chống đầu cơ nhà, đất

Theo đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề xuất đánh thuế thu nhập thuế suất rất cao với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập để triệt tiêu ý chí đầu cơ của nhà đầu tư lướt sóng (vì không còn có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận như kỳ vọng) khi thị trường bất động sản có dấu hiệu bị đầu cơ, sốt nóng, bong bóng.

Tương tự với việc bán, chuyển nhượng lại nhà, đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được 3 năm, hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà, đất là chính đáng, thì áp dụng thuế suất bình thường.

Theo HoREA, việc áp dụng các sắc thuế như vậy sẽ không ảnh hưởng đến người mua nhà để ở thực.

Đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất

Theo đề xuất của Hiệp hội, việc áp dụng các sắc thuế trên nguyên tắc là người sở hữu nhà đất dùng để ở thì chịu mức thuế thấp nhất. Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh, thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Nếu thị trường bất động sản bị đầu cơ, có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ.

Sắc thuế này sẽ điều chỉnh và định hướng hành vi mua, bán, chuyển nhượng nhà, đất trên thị trường bất động sản hướng đến mục tiêu phát triển lành mạnh, ổn định, vừa đáp ứng đúng nhu cầu thực (mua nhà để ở) của người tiêu dùng, vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư thứ cấp (mua nhà đất để đầu tư, cho thuê), vừa vẫn giải quyết được nhu cầu cất giữ tài sản bằng nhà, đất của người dân.

Đánh thuế cao việc chậm đưa đất vào sử dụng

Hiện nay, pháp luật về đất đai quy định người sử dụng đất được gia hạn 24 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng đất và phải nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian được gia hạn theo quy định của Bộ Tài chính.

Hàng loạt sắc thuế được đề xuất áp dụng nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ bất động sản (Ảnh minh họa)

Hàng loạt sắc thuế được đề xuất áp dụng nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ bất động sản (Ảnh minh họa)

Nhưng, chế tài này chưa đủ sức răn đe, chưa ngăn chặn tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng, vì khả năng lợi nhuận thu được sau này sẽ thừa bù đắp khoản tiền phải nộp bổ sung.

Do vậy, HoREA cho rằng cần có sắc thuế đánh trên hành vi của người sử dụng đất chậm đưa đất vào sử dụng, với thuế suất cao nhằm triệt tiêu ý chí găm giữ đất, chậm đưa đất vào sử dụng và để chống đầu cơ đất đai.

Đề xuất ban hành “thuế bất động sản”

Hiện nay, người sở hữu nhà chưa phải nộp thuế tài sản nhà ở, mà mới chỉ phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó có đất ở với thuế suất đối với đất ở trong hạn mức là 0,03% bảng giá đất, nên mức nộp thuế rất thấp, gần như không đáng kể.

Do đó, HoREA nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính về việc cần thiết xem xét ban hành thuế bất động sản đánh trên giá trị nhà và đất, để tạo nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hiệp hội đề nghị cân nhắc kỹ thuế suất, để đảm bảo phù hợp với thu nhập phổ biến của số đông cá nhân, hộ gia đình là người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp ở nước ta.

Để không xảy ra tình trạng thuế chồng thuế thì cần phải thay thế phương thức thu tiền sử dụng đất hiện nay đang là gánh nặng cho người mua nhà tại các dự án nhà ở.

Chẳng hạn, với dự án nhà chung cư, tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 15% giá thành căn hộ và cũng là gánh nặng cho người thực hiện thủ tục hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở (xin cấp “sổ đỏ”).

Do đó, Hiệp hội đề xuất thay thế thu tiền sử dụng đất bằng Thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở, với thuế suất rõ ràng, vừa góp phần làm giảm giá thành dẫn đến làm giảm giá bán nhà, vừa minh bạch và loại trừ cơ chế "xin - cho" hiện nay.

Ngăn sốt đất bằng công cụ hành chính

HoREA cho rằng cần quy định bổ sung thẩm quyền của Chính phủ để sử dụng hiệu quả công cụ thuế và thuế suất để bình ổn khi có biến động của thị trường.

Cụ thể, Hiệp hội cho biết, tại Khoản 5 Điều 7 Luật Kinh doanh bất động sản quy định Nhà nước có cơ chế, chính sách bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động, bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng. Thế nhưng chưa có cơ chế để thực thi hiệu quả, nhất là việc sử dụng công cụ thuế.

Khi thị trường bất động sản có biến động không thể chờ đến kỳ họp của Quốc hội mới xem xét quyết định. Vì vậy, đề nghị Quốc hội giao thẩm quyền cho Chính phủ quyết định thuế suất chống đầu cơ để kịp thời xử lý và bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động.

Tuy nhiên chỉ nên sử dụng công cụ hành chính khi thực sự cần thiết và huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc và được người dân hưởng ứng, tham gia.

Sử dụng công cụ tiền tệ - tín dụng

Cùng với các giải pháp về thuế, HoREA cũng đề xuất Chính phủ sử dụng các công cụ tiền tệ, tín dụng như kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản; giảm tỷ lệ cho vay bất động sản (từ tối đa 70% giá trị căn hộ xuống còn 50%, thậm chí chỉ còn 35%); kiểm soát chặt tín dụng tiêu dùng, ngăn chặn việc chuyển một phần vốn vay xây nhà, sửa nhà, mua nhà để “lướt sóng” khi bất động sản sốt nóng, bong bóng; kiểm soát chặt chẽ nguồn “tiền bẩn” mua bất động sản để “rửa tiền”…