Đề xuất 5 phương án xét tuyển đại học 2017

ANTD.VN - Dự thảo về phương án xét tuyển đại học, cao đẳng 2017 đưa ra điểm mới với 5 phương thức xét tuyển để lựa chọn phương án tốt nhất hoặc kết hợp nhiều phương án với nhau. 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu đổi mới cả về xét tuyển đầu vào lẫn chất lượng đầu ra bậc đại học

Đổi mới tuyển đầu vào gắn với yêu cầu đào tạo

Bộ GD-ĐT đã xây dựng 5 phương án xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017 để lấy ý kiến các trường và phụ huynh học sinh. Theo đó, việc xét tuyển có thể dựa vào kết quả học tập ở bậc THPT; xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia; sơ tuyển kết hợp với thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt; xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của các trường hoặc nhóm trường khác; phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh.

Phương án sơ tuyển kết hợp với thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt thiết kế cho những trường có yêu cầu sàng lọc cao để tuyển chọn những thí sinh có năng lực phù hợp cho các ngành nghề đào tạo của trường mình. Với phương thức này, các trường có thể tự tổ chức thi hoặc hình thành nhóm trường để cùng tổ chức thi. Với những trường tự tổ chức thi, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải công khai cấu trúc bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận), cách tính điểm xét tuyển từ kết quả thi THPT và kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt.

Việc tham gia vào nhóm trường của mỗi trường là tự nguyện. Sau khi tham gia nhóm, các trường cùng lựa chọn và công bố công khai tổ hợp các môn chuyên biệt dùng để xét tuyển trong số các môn toán, văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.

Với cách tuyển sinh kết hợp, các trường phải công bố công khai chỉ tiêu xét tuyển bằng từng phương thức khác nhau. Sau khi lấy ý kiến, Bộ GD-ĐT sẽ lựa chọn phương án xét tuyển đảm bảo lợi ích cao nhất cho thí sinh. Dự kiến, Bộ sẽ công bố phương án thi trước ngày 10-9 để học sinh yên tâm học tập, ôn luyện.

Xếp hạng đại học theo chuẩn quốc tế

Bên cạnh việc đưa ra nhiều phương án xét tuyển đầu vào phù hợp với yêu cầu đào tạo của mỗi trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, năm 2017, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục trong các trường đại học để từ đó giám sát chỉ tiêu tuyển sinh nhằm tránh tình trạng một số trường đặt ra chỉ tiêu cao hơn năng lực thực tế.

Bộ cũng sẽ tăng cường hỗ trợ thông tin trong định hướng chọn nghề để các trường có căn cứ để xác định chỉ tiêu. Hiện nay, có nhiều ngành truyền thống của nhà trường nhưng thị trường lao động không cần thì nhà trường cần điều chỉnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ sẽ thành lập  trung tâm dự báo nghề nghiệp và nhu cầu lao động để làm cơ sở cho các trường xây dựng chỉ tiêu và chuyển đổi cơ cấu ngành nghề.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, đáng báo động nhất hiện nay là giáo dục nghề nghiệp và chất lượng giáo dục đại học. Trước vấn đề này, Bộ đã có các giải pháp nhằm cải thiện như đổi mới chương trình theo hướng tăng cường ứng dụng, bám sát nhu cầu thị trường lao động; đẩy mạnh tự chủ đại học; khuyến khích các trường có biện pháp gắn kết với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, tạo ra chuỗi cung ứng.

“Với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, giải pháp thì có nhiều, nhưng tới đây, chúng tôi sẽ áp dụng giải pháp về kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Qua đó, sẽ thấy được các trường ĐH, CĐ của chúng ta đang ở đâu so với quốc tế” - Bộ trưởng khẳng định.

Giải pháp quan trọng mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra để nâng cao chất lượng đào tạo đại học là đổi mới chương trình, phương pháp giáo dục theo hướng thực học, thực nghiệp. Trường không chỉ dạy những gì mang tính truyền thống mà phải bám sát nhu cầu thị trường lao động.

“Bộ GD-ĐT cho phép nhập chương trình nước ngoài vào, nhất là các chương trình về khoa học cơ bản, công nghệ kỹ thuật, có thể điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu trong nước nhưng kèm theo đó các trường cũng phải đảm bảo về đội ngũ và phòng thí nghiệm…” - Bộ trưởng chia sẻ.  

“Sắp tới, Nhà nước sẽ không giao chi phí thường xuyên mà qua “đặt hàng”, không phân biệt trường công, tư, thậm chí là trường nước ngoài, trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng. Bộ cũng sẽ đưa ra những giải pháp khuyến khích và tạo dựng cho các trường gắn kết với người sử dụng lao động, đặc biệt là doanh nghiệp, tạo ra một chuỗi cung ứng…”.

Điều này sẽ giúp khắc phục tình trạng đào tạo không gắn với thực tiễn của nhiều ngành đại học hiện nay khiến cho tỷ lệ cử nhân thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành nghề luôn ở mức cao.

Tin cùng chuyên mục