Để trẻ an toàn khi học trực tuyến ở nhà

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vụ việc một học sinh tiểu học tử vong vì bị điện giật khi học trực tuyến tại nhà mới đây lại đặt ra vấn đề an toàn cho học sinh. Chính vì vậy, sự đồng hành của cha mẹ là điều kiện tiên quyết để việc học trực tuyến an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19.
Để đảm bảo an toàn sử dụng điện khi học online, trẻ cần được hướng dẫn sử dụng thiết bị điện khi bố mẹ vắng nhà

Để đảm bảo an toàn sử dụng điện khi học online, trẻ cần được hướng dẫn sử dụng thiết bị điện khi bố mẹ vắng nhà

Không gian học an toàn

Theo các chuyên gia, để tăng độ an toàn với hệ thống điện trong gia đình, đặc biệt là những nhà có con nhỏ, cha mẹ nên gắn thêm CB chống giật (atomat chống giật). Đây là công cụ có chức năng ngắt điện khi có dòng điện rò xuống đất hay có người bị điện giật. Cha mẹ cần lưu ý không gian cho con ngồi học không nên đặt quá nhiều dây điện khiến trẻ vô ý vướng phải. Nơi học cũng cần thoáng đãng, tránh học ở chỗ gần nguồn nước, vòi nước hay nơi ẩm thấp. Cha mẹ hướng dẫn con sử dụng ổ điện đúng cách bởi trên thực tế nhiều trẻ cắm điện sai cách dẫn tới tai nạn đáng tiếc.

Sạc pin đầy và không sử dụng nguồn điện

Ở một số dòng điện thoại, việc vừa sạc vừa dùng, nhất là trong thời gian sử dụng dài như học trực tuyến, sẽ tạo áp lực lớn lên pin khiến pin dễ nóng, phồng hay thậm chí phát nổ. Trước buổi học cần chủ động sạc đầy pin với cả điện thoại hay laptop. Cũng cần thường xuyên kiểm tra bộ sạc bởi đây là công cụ truyền điện từ ổ cắm đến thiết bị. Cần xem bộ dây sạc của laptop hay điện thoại có hở, đứt ở đâu hay không, nếu có nên lập tức thay mới.

Thay mới pin khi quá cũ

Ngoài nguy cơ từ phía thiết bị, cũng có rủi ro từ phía củ sạc. Nhiều củ sạc không được thiết kế chuyên để vừa cấp điện cho pin, vừa duy trì hoạt động cho điện thoại, làm gia tăng nguy cơ cháy nổ. Đó là chưa kể một số củ sạc kém chất lượng cũng tiềm ẩn nguy hiểm. Cần chú ý thay mới pin khi có dấu hiệu “chai”. Thông thường tuổi thọ của pin từ 18-20 tháng. Vì vậy phụ huynh cần chú ý thay mới theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Hướng dẫn trẻ cẩn trọng với thiết bị điện

Phụ huynh cần ghi nhớ một số lưu ý về an toàn điện khi trẻ học tập, sinh hoạt tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội. Đặc biệt, với những trẻ nhỏ tuổi, phụ huynh cần hướng dẫn một số nguyên tắc như không nên chạm vào dây điện đứt rời hoặc dây điện bị hở. Các con không được đưa ngón tay hoặc dùng que đâm, chọc vào các ổ cắm điện và tuyệt đối không chạm đến bất kỳ dụng cụ điện nào khi tay ướt. Ngoài ra, trẻ không nên sử dụng bất kỳ thiết bị điện hoặc rút phích cắm điện khi không được người lớn cho phép. Không được lấy dây điện, thiết bị điện làm đồ chơi. Trường hợp các thiết bị chạy điện rơi vào chỗ có nước thì không được chạm tay vào mà phải báo ngay cho người lớn. Nếu các vật dụng khác rơi vào phải thiết bị điện thì cũng không nên tự tìm cách lấy ra.

Dạy trẻ an toàn thông tin

Hiện một số lớp học online đang được quản lý khá đơn giản, chỉ cần có đường link hay mật khẩu vào Zoom, Google Meets,… là có thể đăng nhập. Điều này dễ cho những người lạ vào lớp học phá rối hoặc tung những hình ảnh, phát ngôn phản cảm. Một số vụ việc tương tự ở nhiều quốc gia đã gây ảnh hưởng tâm lý cho học sinh nhỏ tuổi, thậm chí có em vì thế đã sợ học online. Nhắc nhở trẻ tuyệt đối không đưa đường link vào lớp cho những người không liên quan.

Hướng dẫn trẻ về các nguy cơ

Trong thời gian trẻ ở nhà, phụ huynh cần có biện pháp giới hạn không gian vui chơi, tránh xa khu vực cầu thang bộ, cửa sổ, ban công khi vui chơi đề phòng ngã từ trên cao. Để, đặt các loại đồ chơi của trẻ tại các khu vực thấp, trên mặt sàn, hạn chế cất giấu những đồ chơi thường dùng của trẻ ở các vị trí cao như nóc tủ, kệ để đồ... vượt tầm cao của trẻ nhỏ gây sự tò mò, hiếu kỳ và leo trèo làm đổ các vật dụng gây tai nạn, thương tích.

Phụ huynh cần chuẩn bị đồ ăn cho con trước khi ra khỏi nhà và dặn con giờ ăn, ngủ; gọi điện về cho con ít nhất 2 tiếng đồng hồ một lần. Khóa bình gas, tắt bình nóng lạnh, dùng băng keo dán các ổ cắm điện mà trẻ dễ tiếp cận trong nhà. Dạy bé nhận biết các thiết bị điện và các vật gây nguy hiểm.

Tuyệt đối không được khóa cửa nhốt con ở trong nhà mà không để lại chìa khóa. Vì nếu lỡ trong nhà có hỏa hoạn hoặc mối nguy hiểm thì bé sẽ không thể thoát ra được và người khác cũng không thể cứu giúp kịp thời. Nhắc trẻ tuyệt đối không được bước chân ra khu vực ban công. Cho phép bé xem tivi, chơi máy tính, điện thoại nhưng cần đặt giới hạn các chương trình được phép xem. Hướng dẫn con cách tự cầm máu và chuẩn bị sẵn băng, gạc. Hướng dẫn con cách xử lý khi có người bấm chuông, gọi cửa. Tuyệt đối không được tự ý ra khỏi nhà khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ…