Để tránh nguy cơ “vỡ” quỹ lương hưu

ANTĐ - “Việt Nam đang trải qua thời kỳ dân số lão hóa nhanh. Điều này tác động mạnh tới quỹ lương hưu” - ông Carlos Galian, chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nghiên cứu về quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nhấn mạnh. Cũng theo dự báo của ILO, đến năm 2020, quỹ lương hưu của Việt Nam bắt đầu bị thâm hụt và cạn kiệt vào năm 2029. 

Để tránh nguy cơ “vỡ” quỹ lương hưu ảnh 1
Dân số lão hóa nhanh ảnh hưởng lớn tới quỹ hưu trí

- Được biết ILO đang nghiên cứu về Quỹ BHXH trong đó đặc biệt là quỹ hưu trí của Việt Nam. Ông có thể cho biết đánh giá đến thời điểm này về thực trạng Quỹ BHXH Việt Nam?

- Quỹ BHXH Việt Nam đã có thời gian hoạt động 10- 15 năm nay và đang có đà phát triển cao cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Cũng chính sự phát triển nóng của nền kinh tế đã tác động đến tính bền vững của quỹ BHXH, đặc biệt là quỹ hưu trí. Hiện tại hệ thống BHXH của Việt Nam đang bộc lộ sự lỏng lẻo. Có thể thấy hiện nay số người tham gia đóng BHXH mới chiếm 20% lực lượng lao động. Tỷ lệ người đóng BHXH trên số người hưởng lương hưu có xu hướng giảm nghiêm trọng. Nếu năm 1996, có 217 người đóng cho 1 người hưởng lương hưu, thì đến năm 2011, chỉ còn gần 10 người đóng cho một người hưởng. Hiện tại ILO đang hoàn thành báo cáo thực trạng quỹ hưu trí Việt Nam và đưa ra nhưng tình huống của quỹ này trong tương lai nếu không có những thay đổi cần thiết. Chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành báo cáo này vào cuối tháng 8 năm nay.

- Nguy cơ vỡ quỹ BHXH đang được cảnh báo, vậy nguyên nhân chính  là gì và hệ quả sẽ đến đâu, thưa ông?

- Như tôi đã nói ở trên, hệ thống BHXH của Việt Nam đã cho thấy có sự lỏng lẻo. Bên cạnh đó, nguyên nhân lớn nữa là tình trạng tăng dân số cơ học và sự lão hóa nhanh. Hiện Việt Nam đang trải qua thời kỳ lão hóa dân số khá nhanh. Năm ngoái, 10% dân số Việt Nam quá 60 tuổi. Trong khi đó, tuổi nghỉ hưu bình quân của Việt Nam lại đang ở mức khá thấp với mức trung bình là 53 tuổi. Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam lại ngày càng cao hơn, có thể lên tới 80 tuổi. Như vậy, hiện trạng quỹ hưu trí của Việt Nam là thời gian đóng bảo hiểm rút ngắn đi, nhưng thời gian hưởng lại ngày càng kéo dài. Sự thay đổi dân số cơ học này cộng với việc thực hiện chế độ BHXH chưa chặt chẽ dẫn tới nguy cơ thâm hụt và cạn kiệt quỹ hưu trí. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng rất nhiều lao động trẻ hiện vẫn đang đóng BHXH nhưng tương lai sẽ có khả năng không được hưởng lương hưu.

- Vậy ILO chắc chắn đã có đề xuất về những giải pháp tránh khả năng xấu nhất xảy ra?

- Mặc dù quỹ hưu trí của Việt Nam đang phải đối mặt với những nguy cơ nói trên nhưng  điểm tích cực của hệ thống BHXH Việt Nam là hệ thống này còn mới và hoàn toàn có thể thay đổi nếu được cải tổ kịp thời. Theo tôi nhận thấy, hiện nay Việt Nam đã nhận thấy được vấn đề nên Chính phủ và các tổ chức chính quyền đều quan tâm và đặt ra yêu cầu phải cải tổ. Theo tôi, có 3 điều cần làm để tránh nguy cơ cạn kiệt quỹ hưu trí, đó là nâng tuổi nghỉ hưu trung bình của người lao động, quy định tuổi nghỉ hưu nam nữ bằng nhau và thay đổi công thức tính lương hưu, quy định chênh lệch phần trăm cao hơn nếu người lao động nghỉ sớm so với tuổi nghỉ hưu theo quy định.

"Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến dự thảo Luật BHXH nhằm tránh nguy cơ mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất. Theo đó, dự thảo đưa ra lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng cho đến khi tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ bằng nhau là 62 tuổi; đồng thời nâng thêm 5 tuổi đối với người nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động; tăng dần số năm đóng bảo hiểm xã hội."