Để tranh Đông Hồ mãi là "Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp"

ANTD.VN - Để khẳng định giá trị và sức sống trường tồn của dòng tranh Đông Hồ, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam sẽ tổ chức triển lãm “Tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay”, với hơn 100 hiện vật từ tranh in cho đến các ván khắc, dụng cụ thực hành nghề.

Nằm cách Hà Nội khoảng 40km về phía Đông Bắc, Đông Hồ, ngôi làng nhỏ thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, là nơi làm tranh nổi tiếng với kỹ thuật in bằng ván khắc gỗ. Tính chất thủ công truyền thống thể hiện rõ ở màu sắc, giấy in và các công cụ thực hành khác. 

Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại bỏ đi, dùng tranh mới. Với những nét tinh túy riêng và mang đậm những giá trị văn hóa to lớn, tranh Đông Hồ với những hình ảnh biểu tượng dân dã, gần gũi nhưng lại chứa đựng những thông điệp ẩn ngữ đầy tính nhân văn.

Để tranh Đông Hồ mãi là "Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" ảnh 1

Tranh Đông Hồ phong phú về mẫu mã, thể loại và chủ đề

Sự phong phú và đa dạng cả về mẫu mã, thể loại, chủ đề, tranh dân gian Đông Hồ phản ánh hầu hết các mặt trong đời sống bình dị của người lao động như: Chăn trâu thổi sáo, Hứng dừa, Đấu vật, Đánh ghen… cho tới những ước mơ, khát vọng cuộc sống tốt đẹp hơn như Lễ trí, Nhân nghĩa, Vinh hoa, Phú quý, Lợn đàn, Gà đàn… Nét hấp dẫn của tranh dân gian Đông Hồ không chỉ đề cập đến cuộc sống: thóc đầy bồ, gà đầy sân, mong ước vinh hoa phú quý… mà còn đề cập đến cuộc sống lứa đôi, vợ chồng với cái nhìn hóm hỉnh mà sâu sắc.

Gần 400 năm trôi qua, dòng tranh này vẫn, đã và đang là sản phẩm văn hóa tinh thần, có giá trị nghệ thuật đối với nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Với những giá trị nghệ thuật độc đáo này, ngày 27/12/2012, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần được bảo vệ. 

Để tranh Đông Hồ mãi là "Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" ảnh 2

"Hứng dừa", tác phẩm của tranh dân gian Đông Hồ

Trong nền kinh tế thị trường, tranh dân gian Đông Hồ đang gặp nhiều khó khăn với sự mai một của làng nghề. Từ lúc cả làng nhộn nhịp làm tranh, nay chỉ còn 3 gia đình cố gắng duy trì vì niềm say mê với nghề. Để chấn hưng và khẳng định giá trị, sức sống của dòng tranh đặc sắc này, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức triển lãm "Tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay". Triển lãm kéo dài từ ngày 31/10/2019 - 31/1/2020 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), và là một hoạt động hướng tới việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp "Nghề tranh dân gian Đông Hồ". 

Triển lãm gồm hai phòng tranh, với hơn 100 hiện vật từ tranh in cho đến các ván khắc, dụng cụ thực hành nghề. Trong đó, phòng tranh Đông Hồ xưa, trưng bày một số bộ tranh in lưu giữ gần một thế kỷ và tranh in theo mẫu truyền thống được ưa chuộng xưa nay. Đó là hình ảnh các con vật quen thuộc trong tranh: gà đàn, lợn đàn, gà thư hùng, lợn ăn lá ráy… hình ảnh em bé mũm mĩm trong tranh: vinh hoa phú quý, nhân nghĩa, lễ trí… hay các vị anh hùng dân tộc, nhân vật trong truyền thuyết… Tất cả hàm chứa giá trị biểu tượng tốt đẹp, đại diện cho sự chúc tụng: trường thọ, sung túc, con cháu đủ đầy, học hành đỗ đạt cao…

Để tranh Đông Hồ mãi là "Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" ảnh 3

Tranh dân gian Đông Hồ "Lợn ăn cây ráy"

Phòng tiếp theo là tập hợp tranh được phục chế gần đây và các sáng tác mới của một số nghệ nhân đương đại. Tranh phục chế là các mẫu được cho là đã thất lạc, lấy từ nguồn tư liệu đáng quý của Maurice Durand, Henri Oger, Jean-Pierre Pascal. Tại đây, người xem vẫn gặp những hình ảnh đặc trưng trong các tranh: nghinh xuân, sơn du, phúc lộc song toàn, thập nguyệt dưỡng thai… hình ảnh xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc trong tranh: phong tục cải lương, văn minh tiến bộ, nhảy đầm, thể dục chấn hung… Loạt tranh mới sáng tác của các nghệ nhân là sự cải tiến trong cách thức thực hiện và nội dung biểu đạt sẽ làm cho triển lãm thêm phong phú, đa dạng.

Với không gian trải nghiệm, triển lãm sẽ giúp người xem không chỉ để quan sát, mà còn có thể tham dự vào một trong các kỹ thuật của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ.

Tin cùng chuyên mục