Để tránh chuyện “khó nói”

ANTĐ - Theo thống kê thì khoảng 1/3 số người từ 30 đến 70 tuổi gặp rắc rối về việc tiểu không kiểm soát. Chuyện “khó nói” này có thể tránh được nếu chúng ta nắm được bí quyết giữ cho đường tiết niệu khỏe mạnh.

Giữ trọng lượng cân đối. Bạn càng nặng, trọng lượng càng chèn ép bàng quang. Tập thể dục đều đặn và thực hiện một chế độ ăn uống vừa phải, đủ thành phần rau quả có thể giúp ngăn ngừa tình trạng tiểu tiện mất kiểm soát. Do đó, nguyên tắc đầu tiên cần nhớ là những gì giúp bạn sống khỏe mạnh thì cũng rất quan trọng cho bàng quang.

Tập kỹ thuật Kegel. Kegel là bài tập vùng cơ chậu được đặt theo tên vị bác sỹ đã sáng tạo ra nó. Đây là phương pháp nhằm duy trì sự kiểm soát bàng quang suốt đời. Nó còn đặc biệt quan trọng đối với tăng cường cơ sàn chậu trước và sau khi có con do việc sinh con có thể làm mất sự hỗ trợ tự nhiên cho bàng quang và niệu đạo. Tóm lại, việc tập co thắt cơ khung chậu thường xuyên là ý tưởng tốt cho cả hai giới, dù trẻ hay già.

Cẩn thận với thuốc. Có ít nhất 300 loại thuốc thực sự có thể gây ra hoặc làm xấu đi tình trạng tiểu không kiểm soát, cho dù tác dụng phụ này không đủ để ngăn chặn việc dùng thuốc theo đơn. Tuy nhiên, bệnh nhân hoàn toàn có thể yêu cầu bác sĩ kê thuốc thay thế để tránh gây thương tổn cho thận và bàng quang.

Uống một cách tiết chế. Bia, cà phê, chè và nước giải khát hoặc bất kỳ đồ uống chứa cồn hay caffeine có thể làm gia tăng hoạt động ở bàng quang và dẫn đến són tiểu. Quan trọng vẫn là sự điều độ. Uống nhiều thì hay phải vào nhà vệ sinh, trong khi không chịu uống nước có thể hại thận hoặc bị táo bón. Cả hai tình trạng này đều có thể gây kích thích bàng quang. Nguyên tắc chung nhất vẫn là tiêu thụ khoảng 2 lít chất lỏng mỗi ngày, bao gồm cả nước, nước canh và đồ uống.

Tránh thực phẩm kích thích. Một số thực phẩm có thể khiến tình trạng mất tự chủ về đường tiết niệu của một số người trở nên tồi tệ hơn. Trong số đó, cẩn thận với chocolate (cũng là nguồn cung cấp caffeine), thức ăn cay hoặc có tính axit như cà chua, họ cam bưởi…

Không hút thuốc. Thuốc lá về lâu dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang nhưng khói thuốc lá và nicotine cũng được coi là chất gây kích thích bàng quang ngay lập tức. Lưu ý là ho mãn tính liên quan đến hút thuốc lá cũng có thể dẫn đến tình trạng thỉnh thoảng bị “rò rỉ”.

Bảo vệ chính mình từ nhiễm trùng đường tiểu. Nhiễm trùng đường tiểu có thể gây ra triệu chứng tiêu tiểu không tự chủ tạm thời bởi các vi khuẩn hay xâm nhập vào bàng quang sẽ làm suy yếu các cơ ở niệu đạo. Hầu hết mọi người sẽ không gặp phải tình trạng mất kiểm soát nghiêm trọng nhưng với người đã dễ són tiểu thì nó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn.

Tránh táo bón. Tạo điều kiện cho ruột hoạt động trơn tru với một lượng đáng kể chất xơ và các chất lỏng có thể hỗ trợ bộ phận bàng quang lân cận. Lý do là trực tràng quá no sẽ gây áp lực lên bàng quang, tạo ra nhu cầu “giải quyết” thường xuyên và khẩn trương hơn.

Hãy xem xét quá trình sinh con. Sinh thường được cho là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tiểu không kiểm soát nhưng còn nhiều yếu tố nguy cơ khác. Trong khi đó, sinh mổ được cho là ít xảy ra “trục trặc” này nhưng bằng chứng tới nay chưa thuyết phục. Hiện nay, phụ nữ sinh con trên một lần hầu hết gặp phải vấn đề rò âm đạo cho đến thời kỳ mãn kinh. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nên tránh cắt tầng sinh môn khi sinh con để để bảo vệ cơ sàn khung chậu.