Để tín dụng “tan chảy”

ANTĐ - Nhìn nhận một cách tổng quan nền kinh tế nước ta đã xuất hiện những tín hiệu phục hồi từ đáy. So với cùng kỳ năm ngoái và so với đầu năm, nhiều chỉ số chứng tỏ tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung và tốc độ tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng đang “ấm” lên dần. Nhìn vào chỉ số tăng trưởng công nghiệp và chỉ số sức mua hàng hóa có thể thấy xu hướng đang đi lên.

Thảo luận Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, một số đại biểu Quốc hội đề nghị báo cáo cần phân tích và chỉ rõ trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức được phân bổ ngân sách nhưng kém hiệu quả, không đạt kế hoạch để Quốc hội và nhân dân được biết. Ngân sách nhà nước chủ yếu là thuế do người dân đóng góp cho nên người dân có quyền được giám sát, việc chi tiêu, sử dụng ngân sách như thế nào. Một đại biểu Quốc hội thẳng thắn nhận xét, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội và báo cáo kiểm toán nhà nước chưa vạch rõ tình trạng không phân bổ hết vốn được giao từ đầu năm, không đúng cơ cấu, chương trình đã được Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là không đúng đối tượng, mục tiêu và không sát thực dẫn đến không sử dụng được hoặc phải thay đổi, điều chỉnh nhiều lần. Phó Thủ tướng Chính phủ lý giải vì sao có một số khoản chi ngân sách không đạt dự toán đã đề ra, trong đó có những khoản chi rất quan trọng như y tế, giáo dục, khoa học.

Có một nguyên nhân rất quan trọng là một số cơ chế, chính sách ban hành chậm như chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, chính sách phụ cấp cho giáo viên, các khoản chi cho chương trình mục tiêu quốc gia. Trong bối cảnh quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước như vậy thì nền kinh tế lại đang loay hoay tìm cách “phá băng” tín dụng bằng các giải pháp mạnh tay như giảm lãi suất tiền gửi ngân hàng và cho vay làm cầu tín dụng tăng lên. Dưới góc độ của một chuyên gia tài chính, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Việt Nam lại cho rằng, vấn đề không đơn giản như nhiều người nghĩ. Động thái “phá băng” tín dụng phải trải qua một số bước mà các quốc gia đều phải vượt qua. “Phá băng” trong hoàn cảnh cầu rất yếu khiến cho doanh nghiệp cảm thấy ngay cả hạ lãi suất xuống thấp thì nhu cầu về vốn của họ vẫn không tăng. Vì vậy, các ngân hàng thương mại hầu như không mấy tin vào khả năng hấp thu vốn của doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp cũng nhận thấy cầu tiêu dùng thấp, hàng tồn kho cao, do vậy lòng tin vào thị trường bị giảm sút. Còn người tiêu dùng thì thấy rõ thu nhập của mình chưa được cải thiện, bấp bênh nên không dám chi tiêu như trước.

Cái vòng luẩn quẩn này đã được giới chuyên gia chỉ ra và cho rằng, để tín dụng có thể “tan chảy” nhanh chóng, Chính phủ phải có những can thiệp để tăng tổng cầu. Quan trọng nhất là phải đẩy mạnh đầu tư công vào xây dựng cơ sở hạ tầng, bệnh viện, trường học… nhất là phát hành trái phiếu để lấy tiền làm vốn đối ứng giải ngân vốn ODA.