Để thuế “dễ thở” hơn

ANTĐ - Mặc dù thừa nhận Luật Thuế thu nhập cá nhân ra đời từ năm 2009 đã lạc hậu và cần phải sửa, nhưng sau mười tháng nghiên cứu và rút kinh nghiệm, Bộ Tài chính chỉ trình Quốc hội sửa 4 điều khoản nhỏ là tăng 50% mức giảm trừ gia cảnh, bỏ mức thuế suất 35%, điều chỉnh quy định trợ cấp và thu thuế đối với ủy quyền chuyển nhượng bất động sản. Theo các chuyên gia, bên cạnh bất hợp lý về mức giảm trừ gia cảnh, cần điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần để người nộp thuế “dễ thở” hơn.

Mức giảm trừ gia cảnh là tiêu điểm của Luật Thuế thu nhập cá nhân vừa được công bố. Cách tính giảm trừ gia cảnh theo một số cố định đã bị phản ứng khá nhiều trong thời gian qua, song Bộ Tài chính vẫn bảo lưu cách tính này. Bởi vì, nếu căn cứ vào mức sống dân cư hiện nay thì còn thấp, không phải là 6 triệu đồng. Nếu căn cứ vào GDP bình quân đầu người, thì mức giảm trừ 6 triệu đồng/tháng tương đương gần 1,7 lần mức GDP đầu người dự kiến năm 2014. Thế nhưng đến năm đó, mức 6 triệu đồng/tháng đối với cá nhân người nộp thuế sẽ là rất thấp, nhiều người nộp thuế sẽ gặp khó khăn. Quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng, luật thuế này không phải là thuế thu nhập cao.

Theo đó, đối tượng chịu thuế sẽ dần được mở rộng ra, với nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc là ổn định một thời gian. Cho đến năm 2011, chỉ có 1,5% dân số nộp thuế thu nhập cá nhân với thu nhập từ tiền lương và 194.000 hộ kinh doanh. Con số này quả thật là “muối bỏ bể”. Theo quan điểm của nguyên Tổng cục phó Tổng cục Thuế, khi điều chỉnh về thuế không chỉ nâng mức giảm trừ gia cảnh, mà việc quan trọng là sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần. Đây chính là “chi tiết kỹ thuật” không thể thiếu để điều chỉnh mức nộp thuế của người dân. Vì vậy, cần xem xét kỹ lưỡng biện pháp nâng mức giảm trừ đã hợp lý và người dân đã đồng thuận chưa, hay nên xem xét thêm phương án giảm thuế suất và điều chỉnh biểu thuế cho phù hợp.

Theo các chuyên gia thuế, bên cạnh việc bỏ mức thuế suất 35% để khuyến khích người có trình độ cao, năng lực điều hành giỏi nỗ lực làm việc, nên điều chỉnh theo hướng bỏ luôn bậc 1 biểu thuế lũy tiến từng phần. Như vậy, chỉ có những người thu nhập từ 11 triệu đồng (6 triệu giảm trừ gia cảnh + 5 triệu bậc 1) mới phải nộp thuế. Mặc khác, để cho thoáng hơn nên bỏ 7 bậc thuế lũy tiến quá dày, chỉ giữ lại ba bậc hoặc 5 bậc. Đồng thời kéo giãn thu nhập tính thuế giữa các bậc hoặc hạ thấp mức thuế suất ở bậc 1 để khoan sức dân. Đã có ý kiến lo ngại tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ khiến ngân sách thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Nếu cứ lo thu để đủ chi thì rất không ổn. Đảm bảo nguồn thu không có nghĩa là tận thu. Lựa chọn giữa khoan sức dân hay bảo đảm nguồn thu là việc không dễ. Tuy vậy, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, không nên để người dân cảm thấy họ bị thiệt thòi. Lạm phát còn cao, lương tăng không theo kịp trượt giá, trong khi các loại phí giao thông, y tế tiếp tục “đè” lên vai người dân. Luật Thuế thu nhập cá nhân không nên tận thu triệt để. Còn nhiều khoản thất thu thuế trong bất động sản, khai thác tài nguyên, chuyển giá sao không “tận thu”.

Mục tiêu là ngày càng có nhiều người nộp thuế, đặc biệt là những người thu nhập cao, chứ không phải là những người thu nhập trung bình và thấp. Luật Thuế muốn đảm bảo nguồn thu nhưng không nên quên khoan sức dân, để người dân cảm thấy “dễ thở” hơn, công bằng hơn.