Để thực phẩm bẩn hết cửa "chui" vào trường học

ANTD.VN - Sự việc gần 1.500 trẻ tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) được gia đình cấp tốc đưa về Hà Nội tới khám và xét nghiệm tìm sán lợn là chưa từng có tiền lệ. Khỏi phải nói thì chúng ta cũng hiểu được sự lo lắng, bức xúc của các bậc phụ huynh ở Thuận Thành khi con em họ rơi vào cảnh mắc phải ấu trùng sán lợn nguy hiểm bất ngờ từ trên trời rơi xuống.

Trong tuần này, các cơ quan hữu quan, nhà khoa học sẽ vào cuộc để truy tìm chính xác nguồn gốc lây lan sán lợn cho các em học sinh ở Thuận Thành nhưng tới thời điểm này, sự nghi ngờ đang tập trung vào trường Mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) bởi trước đó một số phụ huynh đã ghi lại được hình ảnh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại ngôi trường này. Cũng trong đầu tháng 3-2019, các bậc phụ huynh đã bất ngờ vào kiểm tra bếp ăn của trường Thanh Khương, phát hiện thịt gà nấu cho học sinh là thịt đông lạnh đã bị mủn, có mùi. Nhiều loại chân, xương gà dùng để nấu cháo cho các cháu cũng bốc mùi hôi thối. Họ đã chụp ảnh, ghi hình để tố cáo…

Đây không phải lần đầu tiên bếp ăn trong trường học bị lên án vì cung cấp bữa ăn không an toàn  thực phẩm, thậm chí gây ngộ độc hoặc có thể tác động rất xấu tới sức khỏe, tinh thần học sinh. Vì lợi ích, không ít đơn vị cung cấp bữa ăn cho nhà trường không chỉ có hành vi bớt xén khẩu phần mà còn đang tâm “thẩm lậu” vào bếp ăn cả thực phẩm bẩn.

Theo quy định, tất cả thực phẩm đưa vào bếp ăn trường học đều phải do một đơn vị có đủ tư cách pháp nhân cung cấp và tất nhiên phải đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhà trường và phụ huynh có trách nhiệm giám sát hoạt động này, trong đó nhà trường phải chịu trách nhiệm chính. Tuy vậy, do sự lơ là, thiếu trách nhiệm hoặc cố tình tiếp tay của một số nhà trường, thực phẩm bẩn vẫn “chui” qua được lỗ hổng quản lý và nằm trên bàn ăn của các cháu học sinh.

Trong những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng như ở trường Mầm non Thanh Khương, nếu đúng là do thịt lợn tại bếp ăn nhà trường, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về doanh nghiệp cung cấp. Dù vậy, nhà trường và đặc biệt là cá nhân hiệu trường không thể vô can.

Hiện nay, cơ quan Công an và y tế đã cùng vào cuộc và hy vọng sự việc sẽ sáng tỏ trong thời gian ngắn sắp tới. Dù vậy, ở tầm quản lý vĩ mô, ngành y tế và ngành giáo dục cũng như các địa phương cần rà soát lại hệ thống quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trong các nhà trường. Phải làm sao quy rõ trách nhiệm và bịt hết các lỗ hổng trong quản lý, mới mong thực phẩm bẩn hết “cửa” chui vào trường học để đe dọa sự an toàn của hàng chục triệu học sinh trên cả nước.

Cũng cần nhắc lại rằng, các bậc phụ huynh ở Thuận Thành, Bắc Ninh và cộng đồng cũng không nên quá hoang mang mà tẩy chay thịt lợn. Nguyên nhân gây sán dây, ấu trùng sán dây lợn chủ yếu liên quan đến tập quán ăn uống, người có thể nhiễm các ấu trùng trong đất, trong nước do ăn các loại rau thủy sinh, rau sống không rửa sạch, không nấu chín hoặc nhiễm từ các sản phẩm thịt không được nấu chín. Bộ Y tế đã khuyến cáo, để chủ động phòng bệnh sán lợn, người dân cần thay đổi thói quen ăn uống: Không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái, không ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh, không uống nước lã…

Tin cùng chuyên mục