Đê sông Nhuệ đang bị "gặm nhấm"

ANTĐ - Mỗi mùa mưa bão đến, sông Nhuệ (Hà Nội)  lại oằn mình tiêu nước cho toàn bộ khu vực phía Tây thành phố. Năng lực tiêu úng  không đáp ứng kịp tốc độ đô thị hóa, cùng với tình trạng vi phạm tràn lan khiến mỗi trận mưa xuống, hệ thống đê sông Nhuệ lại lung lay, lo vỡ.

Sông Nhuệ đang bị bức tử bởi nhà cửa lấn chiếm

Làm ngơ trước vi phạm

Cơn bão số 6 dù không trực tiếp đổ bộ vào đồng bằng sông Hồng, nhưng ảnh hưởng từ hoàn lưu của bão đã gây mưa lớn khắp Bắc bộ, trong đó có Hà Nội. Trận mưa kéo dài 2 ngày, với lượng mưa chưa tới 200mm nhưng hệ thống đê sông Nhuệ đã rơi vào báo động đỏ. Sạt lở, thẩm lậu, rò nước qua thân đê và tràn đê dài cả 1.000m. Xuất hiện hàng loạt điểm xung yếu, nguy cơ vỡ đê đã hiện hữu.  

Dọc hệ thống sông Nhuệ từ địa bàn Liên Mạc (Từ Liêm) đến Phú Xuyên, cứ mỗi trận mưa trút xuống dòng sông lại oằn mình tiêu nước. Hiện nay, toàn bộ khu vực phía Tây của TP tiêu thoát ra sông Nhuệ, cũng bởi vậy mà năng lực tiêu úng không thể đáp ứng được tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty TNHH Nhà nước MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ cho hay, năng lực tiêu của sông Nhuệ chỉ ở mức 9l/s/ha, nhưng nay phải gánh tới gần 20l/s/ha. Trong khi năng lực tiêu tăng lên thì tốc độ đầu tư cho hạ tầng trên hệ thống sông Nhuệ lại chưa tương xứng, như dự án cụm công trình đầu mối Liên Mạc được đề cập đến từ lâu nhưng đến nay chưa thấy.

Trong khi đó, toàn bộ tuyến đê sông Nhuệ và thậm chí là lòng dẫn đang bị nhà cửa, rác thải và các công trình xây dựng lấn chiếm. Thống kê của Tổng công ty Thủy lợi sông Nhuệ cho thấy, trên địa bàn Hà Nội có tới hơn 5.000 vụ vi phạm. Chiếm phần lớn là số vụ vi phạm xây dựng nhà cửa cấp 3, cấp 4, xưởng lều lán với diện tích lấn chiếm lên tới gần 120.000m2 đất. Đó còn chưa kể tới những công trình, nhà cửa đã tồn tại từ lâu. Chưa giải tỏa được vi phạm cũ thì vi phạm mới đã xuất hiện. Được biết, năm 2013, các quận, huyện dọc tuyến sông Nhuệ đều đã mạnh tay xử lý, nhưng 7 tháng đầu năm vẫn phát sinh thêm 84 vụ vi phạm, hơn 2.000m2 đất bị lấn chiếm để xây dựng nhà cấp 3, cấp 4. “Hơn 30km đoạn qua địa bàn huyện Từ Liêm là điểm nóng vi phạm, nghẽn dòng chảy. Khu vực này, có những đoạn, sông Nhuệ chỉ còn hẹp như một con mương thoát nước”, bà Hạnh nhận định.

Trên thực tế, theo quy định hiện hành, vai trò của đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi chỉ là phát hiện vi phạm, thông báo và phối hợp với chính quyền sở tại để lập biên bản, kịp thời ngăn chặn ngay khi mới phát sinh. Tuy nhiên, hầu hết chính quyền các xã đều buông lỏng quản lý, thậm chí làm ngơ trước những trường hợp vi phạm hành lang sông Nhuệ trên địa bàn mình quản lý, không xử lý các công trình vi phạm ngay từ đầu cho dù đơn vị quản lý sông Nhuệ có thông báo. 

Cần gắn trách nhiệm cụ thể

Trước diễn biến vi phạm ngày một gia tăng, Tổng công ty Thủy lợi sông Nhuệ đã báo cáo và kiến nghị UBND TP. Theo đó, TP đã chỉ đạo, bước một sẽ giải tỏa toàn bộ những phát sinh từ năm 2011 đến nay, kiên quyết không để phát sinh mới. Giai đoạn hai sẽ tiến hành giải tỏa các công trình trong lòng sông và giai đoạn ba giải tỏa toàn bộ vi phạm nằm trong hành lang sông Nhuệ. Dù UBND TP đã có chỉ đạo, song bà Hạnh cho rằng, sẽ rất khó để thực hiện vì các địa phương không thực sự vào cuộc. Địa phương nào cũng thống kê, rà soát vi phạm nhưng kết quả giải tỏa lại chỉ được một số lều lán, rau bèo… 

Không những nhà cửa, xưởng sản xuất, lều lán đang ngày một “gặm nhấm” dần sông Nhuệ mà còn thêm tình trạng trang trại nuôi trồng thủy sản cũng lấn đê. Điển hình như trên địa bàn xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, trong đợt mưa hậu cơn bão số 6 vừa qua, gần 200m đê đã trong tình trạng lung lay, tràn bờ, rò rỉ. Đoạn vi phạm kéo dài 180m, trong đó khoảng 40m sạt lở nặng, đào sâu vào thân đê từ 60-70cm. Trao đổi về trường hợp này, ông Trần Quốc Oai, Chủ tịch UBND xã Đại Áng cho biết, đoạn đê bị vi phạm trên là khu vực trang trại nuôi trồng thủy sản của một số hộ dân. Đề cập đến xử lý lâu dài, ông Trần Quốc Oai cho rằng, việc gia cố, đắp lại thuộc trách nhiệm của Tổng công ty Thủy lợi sông Nhuệ và các trang trại. UBND xã chỉ phối hợp về mặt bằng, tuyên truyền các hộ dân tại đây chấp hành.

Bức xúc vì vi phạm, sông Nhuệ hiện còn rơi vào tình trạng bồi lắng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng lực tiêu. Bà Trần Thị Tuyết Hạnh cho hay, theo chu kỳ, từ 5-7 năm phải được nạo vét toàn tuyến một lần, nhưng nhiều năm nay, mới chỉ nạo vét được cục bộ một số đoạn. “Kinh phí nạo toàn hệ thống sông rất lớn, nhưng dù có kinh phí thì nếu không giải tỏa được các vi phạm cũng không có mặt bằng để chứa, vận chuyển bùn thải ra ngoài”, bà Hạnh phản ánh.

UBND TP cũng đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương trong việc giải tỏa, chống lấn chiếm sông Nhuệ. Song, sự vào cuộc của các xã, phường xem ra còn bỏ lửng. Để mỗi trận mưa lớn trút xuống, người dân khắp khu vực phía Tây lại nháo nhào vì lo sông Nhuệ tắc nghẽn, ngập lụt kéo dài. Đã đến lúc gắn trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền sở tại trong việc giải tỏa, chống lấn chiếm sông Nhuệ.

Tin cùng chuyên mục