Để quy định được đi vào thực tế

ANTĐ - Chỉ còn vài ngày nữa quy định mới về đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ có hiệu lực, theo đó doanh nghiệp (DN) sẽ phải đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) theo mức lương và phụ cấp. 

Đến thời điểm này, dù thông tư hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH về việc loại phụ cấp nào sẽ được tính BHXH nhưng NLĐ thì tỏ ra thờ ơ, trong đó rất nhiều DN lo lắng. Thực tế là từ trước đến nay, tiền đóng BHXH cho NLĐ được DN chi trả một phần lớn, còn NLĐ chịu một phần nhỏ. Vì vậy, để tiết giảm chi phí phải đóng BHXH cho NLĐ, phần lớn các DN đã có một bảng lương riêng để làm căn cứ đóng BHXH, với mức lương thấp hơn nhiều so với thu nhập thực tế của NLĐ.

Khi đóng BHXH theo quy định mới, tất nhiên, cả NLĐ và DN sẽ phải tăng mức đóng lên, trong khi thu nhập thực tế thì không tăng, vì vậy, lương thực nhận của NLĐ thậm chí còn giảm đi vì số tiền trích lại đóng BHXH tăng. Chính vì vậy, nhiều người không mấy mặn mà với quy định này. Trong khi đó thì không ít DN, nhất là DN sử dụng nhiều lao động thì “phát sốt” bởi số tiền họ phải bỏ thêm mỗi tháng để đóng BHXH cho NLĐ không hề nhỏ. Hàng loạt giả thuyết về nguy cơ đã được họ đặt ra, nào là sẽ phải cắt giảm nhân công, giảm thu nhập của NLĐ, giá cả hàng hóa sẽ bị tăng…

Thế nhưng cũng phải xét một cách tổng thể về cái thiệt và cái hơn khi đóng BHXH theo quy định mới. Với DN thì không nói, vì theo cách làm cũ thì họ đã “lách luật” để giảm trách nhiệm đóng BHXH cho NLĐ, thì nay, chắc chắn họ sẽ phải thêm phần gánh nặng, mà xét cho cùng thì gánh nặng đó là trách nhiệm họ phải làm. Nhưng với NLĐ, nếu đóng BHXH theo cách cũ, có thể số tiền họ phải trích ra mỗi tháng ít hơn, nhưng kéo theo nhiều cái thiệt như các chế độ tai nạn, thai sản, thất nghiệp và lương hưu của NLĐ tính theo mức lương làm căn cứ tính đóng BHXH sẽ bị kéo thấp xuống theo. Thậm chí nhiều người khi đi làm mức thu nhập tương đối cao, nhưng khi về hưu mới “sốc” vì lương hưu của mình ở mức “người nghèo” là vì vậy. Thế nên, DN kêu ca, NLĐ thờ ơ, thì quy định mới cũng vẫn cần được áp dụng để đảm bảo tính công bằng. 

Tuy nhiên, điều nhiều người lo ngại là các DN sẽ lại tính các “bài” để “lách”. Mà có lẽ dễ tính đến nhất là “chiêu” cấu trúc lại cơ cấu thu nhập của NLĐ. Chẳng hạn như đổi tên các phụ cấp phải tính đóng BHXH thành các khoản thu nhập bổ sung không phải đóng BHXH, tăng khoản nọ, giảm khoản kia… để NLĐ vẫn được hưởng thu nhập cũ mà mức phí đóng BHXH không tăng. Nhưng những chiêu đó nếu có áp dụng cũng cũng chỉ mang lại cái lợi cho DN trong ngắn hạn, vì với lộ trình đã được luật hóa, đến năm 2018, DN sẽ phải tuân thủ việc đóng BHXH trên mức lương, phụ cấp và khoản bổ sung.

Dù gì, ngoài việc tuân thủ pháp luật của DN, thì ý thức của NLĐ về quyền lợi của mình, cũng như công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước cũng cần được nâng cao, để các quy định được đi vào thực tế.