Đề phòng sốt rét “ngoại nhập”

ANTĐ - Chỉ trong vài tháng qua, số trường hợp mắc bệnh sốt rét ở nhóm người từng đi xuất khẩu lao động tại châu Phi (chủ yếu ở Angola và Cameroon) đã gia tăng mạnh. Đến nay đã có hơn 130 trường hợp mắc bệnh, trong đó một trường hợp đã tử vong. Điều nguy hiểm là  loại sốt rét này không có biểu hiện bệnh lý rõ ràng và đang có dấu hiệu kháng thuốc, kể cả những loại thuốc thế hệ mới.

Sốt rét “ngoại nhập” kháng thuốc

Loại sốt rét mới vào Việt Nam từ nước ngoài chủ yếu thông qua con đường du lịch, công tác, xuất khẩu lao động đang trở thành mối đe dọa cho toàn xã hội. Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế nhận định: “Dịch bệnh sốt rét ở nước ta đang có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Nhiều loại sốt rét ngoại lai đang xâm nhập vào nước ta qua con đường du lịch, xuất khẩu lao động. Trong số đó, rất nhiều bệnh nhân mắc phải có biểu hiện kháng thuốc”. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, trong số gần 40 trường hợp sốt rét được bệnh viện cấp cứu và điều trị thời gian gần đây có tới 8 bệnh nhân bị sốt rét ác tính, có những ca bị biến chứng nặng khiến việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, tất cả bệnh nhân mắc sốt rét đều là nam giới, đến từ nhiều tỉnh thành, nhưng hầu hết là những người lao động trở về từ châu Phi và Lào. Đặc biệt, có trường hợp biểu hiện kháng thuốc. Như bệnh nhân Trần Quốc Thái (58 tuổi, ở Nam Định), nhập viện Bạch Mai khi trở về từ Angola trong tình trạng bị sốt rét nặng, biến chứng vào não, suy đa tạng, hôn mê, rối loạn ý thức, viêm phổi và phải thở máy. Các y bác sỹ bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng thuốc đặc trị sốt rét Artesunate, liên tục thở máy 19 ngày, truyền máu, truyền khối tiểu cầu và thở ô xy, nhưng số lượng ký sinh trùng sốt rét giảm rất chậm. Các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai đã quyết định cho bệnh nhân sử dụng thuốc Quinine - một loại thuốc đang được dùng tại Angola, từng được dùng để chữa bệnh sốt rét tại Việt Nam trước năm 1994. Loại thuốc này hiện nay không còn sản xuất. Số thuốc sử dụng để điều trị cho bệnh nhân được lấy từ kho của Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương. Sau 36 ngày điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện với chi phí điều trị lên tới 240 triệu đồng.

Những mối đe dọa mới

Không được may mắn như trường hợp bệnh nhân Trần Quốc Thái, tháng 7-2013, một bệnh nhân nam 39 tuổi ở huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội đã tử vong do sốt rét ác tính. Bệnh nhân này có biểu bệnh sốt chỉ 4 ngày sau khi trở về từ Cameroon. Tuy nhiên, bệnh nhân này tự điều trị ở nhà, đến ngày thứ 3 rơi vào tình trạng hôn mê, co giật và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (Hà Nội) trong tình trạng ngừng tim. Khi được chuyển tiếp đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân đã bị chết não, suy đa phủ tạng và rối loạn đông máu. Dù được điều trị tích cực nhưng sau 3 ngày tình trạng bệnh xấu dần, người thân đã xin đưa bệnh nhân về nhà. 

Theo các bác sĩ, không chỉ trường hợp nêu trên, phần lớn những người mắc bệnh sốt rét tại châu Phi (Angola và Cameroon) đều chủ quan do thấy những biểu hiện bệnh lý chỉ giống như cảm cúm thông thường mà không biết mình đã mắc bệnh. Bên cạnh đó, nhiều địa phương lâu nay không ghi nhận có bệnh nhân sốt rét nên khi xuất hiện ca mắc sốt rét sau khi đi lao động, công tác ở nước ngoài về, việc chẩn đoán và điều trị gặp nhiều khó khăn, nhất là ở y tế tuyến cơ sở. Chỉ đến khi bệnh chuyển nặng sang sốt rét ác tính mới phát hiện thì nguy cơ tử vong rất cao. Thêm vào đó, sốt rét “ngoại nhập” có dấu hiệu kháng thuốc chống rét ở trong nước, bao gồm cả những loại thuốc thế hệ mới; khiến bệnh sốt rét ngày càng nguy hiểm hơn với những biểu hiện, biến chứng khó lường. Cá biệt như bệnh nhân Trần Quốc Thái phải điều trị bằng thuốc thế hệ cũ không còn được sản xuất, sử dụng ở Việt Nam từ cách đây 20 năm. Không ít chuyên gia dịch tễ lo ngại rằng sốt rét “ngoại nhập” kháng thuốc cùng những loại muỗi truyền bệnh kháng hóa chất sẽ khiến bệnh sốt rét ở Việt Nam ngày càng nguy hiểm, khó kiểm soát. 

Không thể tự chữa trị sốt rét

Trong bối cảnh ở Việt Nam không có sẵn loại thuốc chữa bệnh sốt rét tại Angola và Cameroon, Cục Y tế dự phòng đã khuyến cáo, những người từ châu Phi (đặc biệt là Angola và Cameroon) về nước cần chú ý đến những biểu hiện của bệnh. Sốt rét tại Angola và Cameroon có biểu hiện bệnh lý khác biệt. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, không sốt, không thấy rét run, đôi khi chỉ có triệu chứng giống như bị viêm họng, sổ mũi, nhức đầu... Thời gian ủ bệnh từ 2 tuần đến hàng tháng. Khi đã chuyển thành sốt rét nặng và sốt rét ác tính thì nguy cơ tử vong rất cao.

Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương khuyến cáo: “Do biểu hiện bệnh lý của bệnh sốt rét tại Angola và Cameroon không rõ rệt nên bệnh nhân thường chủ quan, không đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh kịp thời dẫn đến hậu quả khôn lường. Với những người đi xuất khẩu lao động hay du lịch ở các nước có dịch sốt rét đang lưu hành, khi trở về nước, nếu trong thời gian khoảng 2 tuần đến 1 tháng thấy có hiện tượng lạ như ốm, sốt có kèm theo rét run... nên đến ngay cơ sở y tế, đặc biệt là các trung tâm phòng chống sốt rét chuyên khoa để được khám sàng lọc sốt rét và điều trị kịp thời” tránh diễn biến thành sốt rét ác tính. Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương cũng khẳng định, nếu được phát hiện sớm, những loại thuốc sẵn có ở Việt Nam vẫn đạt hiệu quả cao trong điều trị. Trong trường hợp bệnh đã chuyển nặng thành sốt rét ác tính, Viện sẽ chủ động tìm nguồn thuốc để kịp thời điều trị.

Hiện nay, trên nhiều diễn đàn mạng của cộng đồng người Việt tại Angola đã có những khuyến cáo dành cho người trở về Việt Nam, dù có tiền sử bệnh sốt rét Angola hay không đều mang theo các loại thuốc đặc trị theo. Thậm chí, nhiều lao động từ Angola về nước còn giới thiệu nhau đến những địa chỉ khám chữa bệnh tư nhân để điều trị sốt rét. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, không thể dùng thuốc sốt rét tùy tiện. Bởi bệnh sốt rét nếu không được phát hiện và điều trị sớm rất dễ biến chứng thành sốt rét ác tính. Trong khi đó, chỉ có các bệnh viện tuyến trên mới có đủ phương tiện và khả năng để điều trị sốt rét ác tính hiệu quả.