Để phố cổ Hà Nội không “đánh mất linh hồn”

(ANTĐ) - Những vấn đề của phố cổ Hà Nội như: Bảo tồn thế nào, tập trung vào tổng thể hay chi tiết, làm thế nào có được sự đồng thuận của người dân cùng sự gắn kết hài hòa giữa truyền thống và hiện đại... đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đưa ra thảo luận tại phiên họp thứ 5 của Diễn đàn UNESCO -  trường Đại học và Di sản.

Để phố cổ Hà Nội không “đánh mất linh hồn”

(ANTĐ) - Những vấn đề của phố cổ Hà Nội như: Bảo tồn thế nào, tập trung vào tổng thể hay chi tiết, làm thế nào có được sự đồng thuận của người dân cùng sự gắn kết hài hòa giữa truyền thống và hiện đại... đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đưa ra thảo luận tại phiên họp thứ 5 của Diễn đàn UNESCO -  trường Đại học và Di sản.

Phố Hàng Bạc xưa
Phố Hàng Bạc xưa

Xóa tình trạng “3 không”

Trong bài phát biểu tại hội thảo, ông Rodrigue Normand - Cố vấn văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã cho rằng, phố cổ Hà Nội đang ở tình trạng “3 không”, không có không gian xanh, không nơi vui chơi công cộng và không nơi đỗ xe. Nhà nghiên cứu này cũng đã đưa ra so sánh, đó là những bức ảnh của phố cổ Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20 và những hình ảnh phố cổ mới được ông chụp cách đây vài tuần. Ai cũng biết, bộ mặt đô thị Hà Nội đã thay đổi đến chóng mặt, nhưng khi đặt hai bức ảnh cạnh nhau mới thấy xót xa.

Sự lộn xộn của phố cổ không chỉ bởi các phương tiện tham gia giao thông, hàng quán tràn lan lấn chiếm hè đường mà ngay cả không gian của nơi này cũng đang bị chiếm dụng bởi băng-rôn, cùng biển quảng cáo to nhỏ đủ loại của các cửa hàng trên phố. Cũng theo ông Rodrigue Normand, sở dĩ căn bệnh lộn xộn ngày một trầm trọng đó là do cách nhìn nhận về phố cổ Hà Nội không thống nhất, ngay cả trong giới bảo tồn, người thì cho rằng “giờ mới cứu thì quá muộn”, người thì vẫn do dự “bảo tồn thế nào”, người lại muốn phó mặc cho... trời. 

Hiện tại, mỗi năm Việt Nam có một triệu dân đô thị mới, trong đó có khoảng 30 nghìn nhà ở mới do đó rất cần có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại. Để phố cổ không đánh mất linh hồn, ông Rodrigue Normand đã đưa ra những giải pháp như: Cần có sự cải tạo tổng thể, chứ không phải chỉ tập trung vào một vài ngôi nhà nào đó. Những nhà quản lý nên xây dựng một tầm nhìn rộng và có định hướng, bên cạnh đó cần phải có chính sách linh hoạt và mềm dẻo đối với quyền lợi của người dân sống ở nơi này.

Lấy phi vật thể bảo tồn vật thể

Cũng đưa ra những đóng góp cho việc bảo tồn khu phố cổ Hà Nội, ông Jin Kwang So - một nhà nghiên cứu tới từ Hàn Quốc lại cho rằng, ưu tiên trước mắt là sự phát triển bền vững về kinh tế, bảo vệ môi trường, đảm bảo đời sống dân sinh. Bên cạnh việc tuyên truyền về ý thức giữ gìn di sản, cần phục hồi lại các lễ hội dân gian với sự tham gia của người dân trong phố cổ, việc để người dân trực tiếp tham gia cũng là một cách khả thi để tạo ý thức giữ gìn di sản.

Cũng đồng ý với quan điểm làm sống lại các lễ hội dân gian, Ông Christian Campell - Pháp cho rằng, nên hướng người dân tới các giá trị phi vật thể đồng thời phải làm thế nào đó để đạt được sự thỏa hiệp đối với các dự án đang có ý định xây dựng tại phố cổ. Khuyến khích khách du lịch đóng góp vào việc chỉnh trang phố cổ. Đã xác định bảo tồn thì nên xây dựng cả một thành phố văn hóa chứ không phải chỉ là một vài địa điểm nào đó.

Cùng với sự gia tăng của cư dân đô thị, thì những di tích đang có xu hướng tân thời hóa, dấu hiệu của sự phồn vinh đang lấn át nét văn hiến hào hoa vốn đã từng tồn tại trong đời sống truyền thống của người dân Thủ đô. Ông Nguyễn Doãn Tuân - Trưởng BQL Di tích và Danh thắng Hà Nội cho rằng, vấn đề bức thiết hiện nay là tổ chức lập quy hoạch, đánh giá hiện trạng các di sản, lập hồ sơ khoa học cho từng đường phố đồng thời đánh giá mức độ biến dạng của các ngôi nhà, con phố, bên cạnh đó rà soát cơ cấu dân cư, cơ sở hạ tầng, điều kiện vệ sinh, sinh hoạt từ đó lựa chọn giải pháp bảo tồn bằng phát triển.

Đối với việc làm thế nào để kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, Ông Nguyễn Đình Toàn - Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn nhận định, không phải yếu tố mới nào cũng làm mất đi bản sắc dân tộc, để hài hòa cần có quy chế quản lý việc khai thác các quỹ di sản trong đô thị, quy định cụ thể về thiết kế kiến trúc cũng như việc khai thác các yếu tố truyền thống trong thiết kế sáng tác ở đô thị.

Trước đây Hà Nội cũng đã từng có khảo sát và đưa 1.000 ngôi nhà điển hình của phố cổ vào diện bảo tồn, nhưng cho đến thời điểm này, sau gần 10 năm lập danh sách, mới chỉ có vài ngôi nhà được tôn tạo và sửa sang. Số còn lại vẫn phải chờ. Ai cũng biết, việc lập một quy hoạch tổng thể không phải cứ muốn là có ngay được. Chính vì thế, khi những việc mang tầm vĩ mô rất cần kêu gọi những tấm lòng của người yêu Hà Nội, ý thức xây dựng và gìn giữ.

Quỳnh Vân

Tin cùng chuyên mục