Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng - 1 trong 10 công dân Thủ đô tiêu biểu năm 2014:

Đệ nhất khảm tam khí đất Hà thành

ANTĐ - Kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, trùng với dịp 60 năm bước vào nghề, ông được thành phố tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô tiêu biểu 2014”. Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng, người được giới trong nghề tôn vinh là “Đệ nhất khảm tam khí” chia sẻ: Chính nghề tổ đã cho ông tất cả, vinh quang ông đạt được hôm nay thuộc về những lớp người đi trước.
Đệ nhất khảm tam khí đất Hà thành  ảnh 1
Tác phẩm trống đồng Ngọc Lũ của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng đã từng được gióng lên khai mạc Tuần lễ văn hóa Hà Nội - Toulouse (Pháp)

Bí quyết của “bàn tay vàng”

Tôi tìm đến số nhà 50B, ngõ Tiến Bộ (phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội), vừa là nơi ở, xưởng chế tác, vừa là cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng. Trà ngon, lại được đối ẩm, hầu chuyện với một nghệ nhân hiếu khách, trong một không gian văn hóa Việt, câu chuyện càng đậm đà, thú vị. 

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng sinh năm 1938, trong dòng họ Nguyễn Ngọc, gốc làng gò đồng Đại Bái (Bắc Ninh), nổi tiếng lâu đời về đồ khảm tam khí. Dòng họ Nguyễn Ngọc từng có nhiều sản phẩm “ngự dụng” cho triều đình nhà Nguyễn ở Huế. Các ông vua nhà Nguyễn thời xưa hiểu được giá trị của những sản phẩm này nên từng gửi đi tham dự Hội chợ đấu xảo tại Thủ đô Paris của nước Pháp.

Khảm tam khí là nghệ thuật phối, kết hợp các kim loại quý như vàng, bạc trên đồ đồng. Mỗi sản phẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu theo quy trình vẽ mẫu trên sản phẩm đồng đúc, đục sâu các mẫu đó, tiếp theo là ghép vàng, bạc, kim loại quý khác vào mẫu. Công đoạn này người thợ tài hoa cần nện búa cho chắc, rồi đem mài, giũa, đánh bóng cho lên màu sao cho sản phẩm thật sinh động, có chiều sâu về đường nét, mảng khối để trở thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn thiện. 

Khi mới 12 tuổi, ông theo 2 người anh ra Kinh thành Thăng Long lập nghiệp tại phố Hàng Đồng. Nguyễn Ngọc Trọng từ nhỏ đã được nghệ nhân trong dòng họ cầm tay chỉ việc tỉ mỉ, từ đơn giản đến phức tạp. Ông cũng từng đi làm thuê cho các cửa hàng tư nhân, rồi vào Hợp tác xã Tinh Hoa sau đó làm thợ kim hoàn cho Công ty Xuất nhập khẩu Thủ công mỹ nghệ Artexport, nơi hội tụ nhiều thợ tài năng của các nơi đổ về như: Đồng Xâm (Thái Bình), Châu Khê (Hải Dương), Đại Bái (Bắc Ninh)… Quá trình này, ông học được nhiều “chiêu thức” độc đáo của các làng nghề hay các bậc thầy nổi tiếng để tích lũy dần kinh nghiệm, trau dồi tay nghề trong lĩnh vực chạm bạc đồ trang sức.

Truyền nghề cho con cháu

Khảm tam khí mất nhiều thời gian, tiền của, tâm lực, có khi hàng tháng, thậm chí vài ba năm mới xong một tác phẩm. Đồ tam khí của Nguyễn Ngọc Trọng chế tác được khách hàng trong, ngoài nước ưa chuộng bởi vẻ đẹp thuần nhã, sang trọng, với những đường chạm trổ trau chuốt, nét gò điêu luyện tinh xảo. Mỗi tác phẩm không chỉ thể hiện tài nghệ của nghệ nhân mà còn lắng đọng tinh hoa bản sắc văn hóa Việt trong đó. Chính vì thế sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng thường được làm quà tặng các chính khách, nguyên thủ quốc gia, các đoàn khách quốc tế. Nhiều gia đình Việt Nam cũng chọn những vật phẩm đồ thờ nạm các kim loại quý cũng tìm đến ông.

Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng đảm nhận công trình “Thư gửi mai sau”. Tác phẩm chạm bằng đồng gốm đang được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia bảo quản trong điều kiện tốt nhất để sau này mở giới thiệu cho con cháu xem vào năm 2110.  

60 năm theo nghề, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng đã đoạt được 9 Huy chương Vàng, nhiều bằng khen của Nhà nước và các tổ chức quốc tế. Tự nhận là được nghề tổ ưu ái, cho ông tất cả, nhưng với tâm niệm “doanh nhân phải có tâm, có tài”, dù đạt đến danh hiệu “Đệ nhất khảm tam khí”, ông vẫn không quên “ươm mầm” để con cháu tiếp tục theo nghề. Từ năm 1990, cơ sở sản xuất của ông mở lớp dạy nghề cho con cháu. Năm nay, tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng ông rất mừng vì “tre già, măng đã mọc”.