Để người Việt “ưu tiên” hàng Việt

ANTĐ - Sức hấp dẫn của hàng Việt sẽ khiến cho người tiêu dùng nội địa không còn phải “ưu tiên” khi lựa chọn các sản phẩm, hàng hóa trong nước sản xuất. Nhưng làm như thế nào và bao giờ thì hàng Việt đạt được kết quả này?

Hàng Việt đã đến được với đông đảo người tiêu dùng nông thôn

Thiếu điểm 10 cho chất lượng hàng hóa

Theo ông Nguyễn Hoàng Long - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện cuộc vận động này, mối quan hệ giữa doanh nghiệp-cơ quan quản lý-người tiêu dùng đã chặt chẽ hơn, tạo nên sức sống cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường nội địa, nhất là thị trường nông thôn. Theo kết quả điều tra xã hội học do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa tiến hành, có 83,6% số người tiêu dùng Thủ đô được hỏi thay đổi niềm tin theo hướng tích cực đối với hàng Việt; 73% người tiêu dùng cho biết họ có sự thay đổi thói quen sử dụng hàng sản xuất tại Việt Nam.

Cũng theo kết quả cuộc điều tra được tiến hành từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11-2011, 80,5% người tiêu dùng quan tâm đến chất lượng hàng hóa; 73,4% quan tâm đến giá sản phẩm, trong khi chỉ có 47,7% người được hỏi quan tâm xuất xứ sản phẩm. Nguyên nhân chủ yếu là người tiêu dùng còn sính ngoại (59,1%) và thiếu lòng tin vào chất lượng hàng Việt (56%). Người tiêu dùng cho rằng có 53,7% doanh nghiệp chưa nghiêm túc nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng; giá cả chưa tương xứng với chất lượng; hơn 50% nhận xét hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất không đa dạng, chất lượng chưa cao. Hơn 47% đánh giá việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa được thực hiện tốt và hơn 40% cho rằng hệ thống phân phối, bán lẻ sản phẩm còn mỏng, thiếu chuyên nghiệp.

Lý giải cho việc chưa tin tưởng vào chất lượng hàng Việt, 57,2% ý kiến cho rằng các sản phẩm, hàng hóa tại các hội chợ, chương trình bình ổn giá có mức bán cao hơn so với thị trường. Điều này chứng tỏ nhiều mặt hàng không phải là hàng bình ổn giá hoặc có hiện tượng lợi dụng chính sách hỗ trợ bình ổn giá để trục lợi. Bên cạnh đó, 52,7% ý kiến cho rằng các sản phẩm này là hàng tồn kho.

Lãnh đạo một doanh nghiệp có sản phẩm được người tiêu dùng Thủ đô yêu thích cho hay, doanh nghiệp của ông phải rất vất vả mới có chỗ đứng trên thị trường.


Đừng chạy theo lợi nhuận đơn thuần

Đánh giá thị trường nội địa Việt Nam có quy mô và tiềm năng lớn, Tiến sĩ Nguyễn Thành Công-Phó Viện trưởng Viện KT-XH Hà Nội cho rằng, việc đầu tiên cần làm là nâng cao chất lượng và sức hấp dẫn cho hàng Việt. Điều này chỉ được thực hiện khi doanh nghiệp sản xuất hàng hóa một cách trân trọng, giá cả cạnh tranh với hàng ngoại nhập và chất lượng, thay vì đơn thuần chạy theo lợi nhuận và lợi ích ngắn hạn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu, thông qua chất lượng, mẫu mã sản phẩm. “Chất lượng nhiều khi rất đơn giản, thậm chí chỉ là nút thắt của khuy áo được thít cẩn thận, không tuột của một chiếc áo sơ mi. Thương hiệu Việt Nam được định hình khi bán một con đinh ốc cho toàn thế giới thay vì bán cả chiếc máy do gia công lắp ráp chỉ ở một vài địa phương nào đó. Nên chấp nhận làm thương hiệu cho một chi tiết trong cả tổng thể” - ông Công nói.

Theo đại diện Công ty cổ phần Intimex Việt Nam, bài học chiếm lĩnh thị trường nội địa là “tấm gương” Unilever đã sản xuất và đưa ra những gói dầu gội đầu có giá 500 đồng về nông thôn và họ đã thành công.

Chia sẻ kinh nghiệm để hàng Việt được người Việt tin dùng, yêu mến, ông Trần Nguyên Châu - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thống Nhất cho rằng, điều kiện tiên quyết là các nhà sản xuất Việt Nam phải có các sản phẩm cạnh tranh về giá cả, chất lượng, dịch vụ khách hàng... Muốn người tiêu dùng sử dụng hàng Việt thì nhà sản xuất, phân phối và bản thân người bán hàng phải hiểu biết, yêu mến và quảng bá cho hàng Việt Nam.